Tuấn bỏ ra số tiền khá lớn chỉ để sở hữu tấm vé - chưa kể chi phí đi lại và ăn ở tại Singapore. Chia sẻ với tôi, Tuấn nói chi phí như vậy vẫn là rẻ so với việc phải sang các nước xa hơn và cần xin visa nhập cảnh. Ngoài ra, Singapore là điểm đến độc quyền trong khu vực của Taylor Swift, nên khán giả Đông Nam Á phải khăn gói đến đảo quốc này nếu muốn thưởng thức đêm nhạc. Một sự kiện tưởng đơn thuần văn hóa nhưng đã gây tranh cãi sâu sắc và tác động mạnh đến cả chính quyền Philippines hay Thái Lan. Đó cũng là câu chuyện người Việt Nam đem tiền ra các nước láng giềng để chi trả cho hoạt động văn hóa. Vậy có tồn tại "công nghiệp văn hóa" ở Việt Nam?
Hè năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố một nghiên cứu cho thấy hai đêm diễn của Taylor Swift đã đóng góp 140 triệu USD vào GDP của bang Colorado nhờ vào sự tiêu dùng của khán giả. Con số ấn tượng đến nỗi cơ quan ấy đã nhìn nhận hiện tượng này như một học thuyết kinh tế - Swiftonomics. Tên tuổi cùng buổi biểu diễn của cô được xem là một thỏi nam châm thu hút mọi người đến với địa phương tổ chức bằng một sức mạnh khiến ai cũng sợ trễ giờ diễn. Vì thế, khán giả không chỉ đến địa điểm ngay trước giờ diễn mà còn từ trước đó vài ngày để bảo đảm không gặp trục trặc khi di chuyển. Từ đó, chi phí tiêu dùng liên quan đến lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác cũng được tăng cao.
Singapore đã rất nhanh nhạy nhận ra và áp dụng "học thuyết" kinh tế mới này cũng như đưa nó lên một tầm độc đáo hơn: loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Đất nước này đã "tài trợ" cho Taylor Swift một khoản lên đến vài triệu USD để đổi lại sự độc quyền các sô diễn trong khu vực Đông Nam Á. Ngành du lịch Singapore đón hơn 13 triệu lượt khách với doanh thu lên tới hơn 15 tỷ USD trong năm 2023. Với Swiftonomics, theo báo Time, hơn 300 nghìn vé đã được bán sạch - chủ yếu bởi khán giả từ các nước xung quanh, giá phòng khách sạn cùng giá vé máy bay tăng 30% và mang về cho ngành du lịch Singapore khoảng 500 triệu USD. Vì vậy, số tiền "tài trợ" được xem là một món đầu tư quá hời. Dù "thua" trong thương vụ với Taylor Swift, Thái Lan cũng là một tên tuổi lớn trong Đông Nam Á với những sự kiện văn hóa đình đám. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), giá trị các concert ở Thái Lan vào khoảng 150 triệu USD cho năm 2023 và dự báo tăng thêm 10-15% vào năm tới.
Trở lại Việt Nam trong năm 2023, Hà Nội từng có hai đêm diễn của ban nhạc Hàn Quốc Black Pink với khoảng 70 nghìn khán giả (ba nghìn khách quốc tế), đem về nguồn thu cho thành phố 630 tỷ đồng (theo Sở Du lịch Hà Nội). Tuy nhiên, Black Pink đã đến biểu diễn ở cả Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Jakarta trước khi đến Hà Nội. Thậm chí, tại các điểm đến trước đó ở Đông Nam Á, nhóm nhạc này đã thu hút đông khán giả hơn cũng như có doanh thu cao hơn. Nói cách khác, doanh thu từ chi phí tiêu dùng có được từ các sự kiện thế này ở Việt Nam vẫn rất khiêm tốn so với ở các quốc gia láng giềng.
Trong lịch sử, vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, khi những danh ca thế giới như Bryan Adams, Lobo, Sting hay nhóm nhạc Boney M đến Việt Nam trình diễn, nhiều người đã nói TP HCM hay Hà Nội rồi sẽ là một trung tâm với các hoạt động văn hóa giải trí tầm cỡ quốc tế. Bước sang đầu thế kỷ 21, nhiều khu nghỉ dưỡng vui chơi sang trọng mọc lên trên lãnh thổ hình chữ S và người ta bắt đầu tổ chức các sự kiện lớn ở đấy với sự có mặt của những ca sĩ tên tuổi thế giới. Bấy giờ người ta bắt đầu nói về một ngành công nghiệp du lịch với sự kết hợp các sự kiện văn hóa. Dẫu vậy, đã 30 năm qua, Việt Nam mong chờ những giá trị gia tăng - cụ thể là các khoản ngành du lịch có thể kiếm được - từ các sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, trung tâm của các hoạt động văn hóa giải trí tầm cỡ quốc tế, ngành công nghiệp du lịch kết hợp sự kiện hay ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa hình thành rõ nét. Các sự kiện nổi bật cũng vẫn chỉ là những hiện tượng mang tính đột biến còn sau đó, mọi chuyện lại trở về như cũ. Ngành du lịch vẫn hoạt động theo lối cũ, thiếu sự chủ động khai thác và tận dụng.
Sau thất bại với Taylor Swift, Thái Lan lập tức lên danh sách các nghệ sĩ hạng A của thế giới để bắt đầu các thương vụ tầm cỡ khác. Người Thái không chỉ tổ chức các buổi diễn hoành tráng với những nghệ sĩ quốc tế đình đám. Đến Thái Lan, du khách biết rõ những buổi diễn đậm chất Thái Lan cũng rất chu đáo với đủ quy mô khác nhau. Đó mới là những nét thu hút khách quốc tế đến Thái để "một công đôi chuyện". Một cuối tuần văn hóa với một chuyến đi ngắn ngày để xem Black Pink và "tranh thủ" tận hưởng văn hóa bản địa, khách trung lập sẽ chọn thành phố nào ở Đông Nam Á? Công nghiệp văn hóa Việt Nam không thể chỉ dựa vào địa điểm tổ chức mà cần dựa vào các hoạt động liên quan văn hóa bản địa, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành liên quan.
Trước khi có thể hy vọng vào ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, việc cần làm tốt trước mắt có lẽ là học hỏi những nước láng giềng về cách họ kiếm tiền từ chuỗi hoạt động liên kết.
Võ Nhật Vinh