Theo thạc sĩ Vũ Quốc Trung, động thai, sẩy thai là mối lo lớn nhất của chị em trong những tháng đầu thai kỳ. Theo đông y, có nhiều lý do dẫn tới tình trạng động thai:
- Do khí hư, huyết hư. Chị em có thai ra huyết từng giọt, hay mỏi lưng, sắc mặt xanh nhợt, hay choáng đầu, mệt mỏi, sợ lạnh. Các bà bầu này thường thấy đầy tức bụng, thai muốn xuống, đi tiểu nhiều, lưỡi nhạt...
- Do hư thận: Khi có thai lưng mỏi, yếu, hay chóng mặt, đái són, tiểu nhiều, mạch xích hư đại.
- Do âm hư huyết nhiệt: Người gầy sút, miệng khô, hai gò má đỏ, lòng tay chân nóng, bụng đau, đầy tức, thai động ra máu, nhỏ giọt...
- Do khí uất trệ: Tinh thần u uất, căng thẳng, mệt mỏi, hay lo nghĩ, hay ợ hơi, kém ăn, nôn đắng, sợ chua...
- Do chấn thương như ngã, mang vác nặng...
Lương y Vũ Quốc Trung cho hay, những người hiếm muộn khi có thai thường dễ bị động thai hơn bình thường. Lý do là, ở những chị em này, kinh nguyệt, khí huyết chưa ổn định, niêm mạc tử cung mỏng, thiếu dinh dưỡng... Khi đó, chỉ cần thêm một số tác động bên ngoài như lao động nặng nhọc, ngã, quan hệ vợ chồng... là có thể ảnh hưởng xấu tới độ an toàn của thai.
"Vào một số thời điểm của thai kỳ như trong 2 tháng đầu tiên, tháng thứ 6 và tháng cuối cùng - thai có những thay đổi đột biến, nên thai phụ cần chú ý giữ gìn. Chẳng hạn, trong 2 tháng đầu, thai sống ở niêm mạc tử cung, chưa có nhau thai giữ nên độ bám dính mong manh. Tháng thứ 6, thai hình thành các tạng phủ trong cơ thể. Tháng cuối, trẻ lớn nhanh và chuẩn bị chào đời...", ông Trung nói.
Thầy thuốc cho hay, khi có thai chị em cần khám định kỳ để kiểm tra sự phát triển và an toàn của thai. Một số trường hợp sảy thai nhiều lần, gọi là sảy thai quen dạ thường do rối loạn nội tiết hoặc do có sự co bóp tử cung quá mạnh. Những người này nên uống thuốc an thai từ trước khi có thai. Trước khi uống thuốc, chị em cần đi khám cụ thể và tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, tuyệt đối không tự ý uống hoặc dùng thuốc theo đơn của người khác.
"Có người thể hàn, người thể nhiệt, mỗi người lại có thể bị sẩy thai, động thai do các nguyên nhân khác nhau, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng cụ thể, cơ địa mỗi người để gia giảm vị thuốc. Hơn nữa, khi có thai, việc uống thuốc cần hết sức thận trọng, ngay cả những loại 'lành' nhất", ông Trung khuyến cáo.
Theo lương y, chị em có bầu ngay khi thấy đau bụng cần nằm yên tại chỗ, ăn uống nhẹ, không vận động, kiêng quan hệ tình dục, sau đó đi khám tại nơi uy tín. Trong thời kỳ thai nghén, để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho cả mẹ và con, chị em cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giữ cho tinh thần thoải mái. Ăn đủ năng lượng giúp thai nhi phát triển, tăng cường chất đạm dễ tiêu, có axit amin không thay thế như thịt, cá... đồng thời uống đủ nước. Tăng ăn rau quả để bổ sung vitamin và khoáng chất, hạn chế đồ sống lạnh, nhiều dầu mỡ, các chất kích thích, cay nóng.
"Một số loại thức ăn có tác dụng kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê, hành tỏi, ớt sống... các bà bầu nên hạn chế tối đa. Phụ nữ có thai cũng không nên ăn nhiều rau ngót vì thực phẩm này gây co bóp tử cung, không tốt cho những tháng mới có thai", ông nói.
Vương Linh