Trong cửa hàng nhôm kính ở xã An Thượng (Hoài Đức), gian bên này anh Dương - chồng chị Tuyết - cùng mấy công nhân đang cắt kính. Gian bên kia, chị Tuyết tất bật vừa bán hàng, vừa ghi chép, hai nách hai đứa nhỏ nhõng nhẽo. Chị cười tươi khoe: "Chỉ một tháng nữa thôi là đến sinh nhật 4 tuổi Gia Huy rồi".
Năm 2004, khi đó chị Tuyết 23, anh Dương 24 tuổi thì hai người cưới nhau. Từ đó đến năm 2008 chị mang thai 3 lần thì cả 3 lần đều bị sẩy. Chị Tuyết đau đớn, chán nản, hôn nhân bên bờ vực tan vỡ... "Lúc đó tôi tính nước xin con nuôi nhưng chồng không muốn. Anh động viên tôi cố gắng nhưng nói thật tôi tuyệt vọng lắm rồi, đã nhờ hết đông y, tây y, gặp toàn bác sĩ giỏi nhưng đều không thành. Tôi đã có ý định bỏ quê đi xa xứ, để chồng lấy vợ khác sinh con", chị kể.
Được sự động viên của gia đình nội ngoại, bạn bè và nhất là anh Dương nên chị Tuyết quyết "đánh cược" mang thai lần 4. Lúc này chị không theo tây y mà được người bạn giới thiệu một địa chỉ đông y bốc thuốc an thai. Mỗi lần chị uống 3 thang thuốc và uống như vậy 5 lần.
"Giữa tháng 3/2009 ngay khi biết mang thai tôi đến đó bốc thuốc. Lúc này bụng tức, uống xong thì đỡ hơn. Chừng một tháng sau ổn định nhưng vẫn tức bụng, chồng tôi đi cắt thêm 3 thang. 10 ngày sau tôi bị co cơ, tức bụng dưới phải đi bốc thuốc uống tiếp. Từ đó thai nhi ổn định. Đầu tháng 5 khi đó em bé được 3,5 tháng tôi tăng lên 7 kg, người khỏe nhưng nóng, hay mẩn ngứa", chị nói.
Bên cạnh việc uống thuốc đông y, chị Tuyết cũng thực hiện chế độ thai sản nghiêm ngặt. Khoảng 6 tháng đầu, chị chỉ nằm bất động, "treo chân" lên thành giường. Mọi chuyện ăn uống, tắm rửa đều diễn ra tại đây.
"Vì cổ tử cung ngắn, những tháng đầu rất dễ sẩy, nên cả ngày tôi nằm gác chân cao lên thành giường, phía thắt lưng luôn kê chiếc gối. Chuyện cơm nước, tắm rửa đã có chồng lo. Mỗi lần gội đầu chồng tôi phải bê chậu nước vào tận giường. Tôi nằm thò đầu ra bên ngoài để anh gội. Cơm nước cũng tương tự. Ngồi ăn một lúc là rất khó khăn, bụng tức nên tôi thường nằm nhai cơm. Còn may là chuyện tắm rửa tôi vẫn tự mình lo được", chị cho biết.
Những lần mang thai trước, cứ vài tuần chị Tuyết lại đi siêu âm một lần để kịp theo dõi. Lần này chị "mặc kệ", cả thai kỳ chỉ siêu âm 3 lần. "Đến tháng thứ 5, bụng và âm đạo tôi bị tức lắm, ra khí hư màu nâu. Tôi sợ sẽ như mấy lần trước đó không qua được tháng thứ 5. Chồng tôi tức tốc đi bốc thêm 3 thang thuốc giữ thai, uống xong thì ổn định. Từ tháng thứ 6 tôi có thể thở nhẹ nhõm, sức khỏe tốt, đôi khi còn có thể ra bán hàng, nấu cơm giúp chồng", chị chia sẻ.
Tháng 10 năm đó chị sinh một bé trai kháu khỉnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Một thời gian sau, chị mang thai lần thứ 5. Lần này chị cũng bốc thuốc an thai và nằm "treo chân" như lần trước trong vài tháng đầu.
Có được "quả ngọt" sau bao lần thất bại nhưng với vợ chồng chị Tuyết, chuyện mất 3 đứa con đầu như mới xảy ra hôm qua. Chị nhớ như in ngày vừa lấy chồng kinh tế còn khó khăn, chị vừa đi làm kế toán, vừa đi học liên thông trên Hà Nội.
"Lúc đó tôi nhận làm kế toán cho 2 công ty, lại đi học nên công việc rất vất vả. Ngày nào tôi cũng vác bụng bầu từ quê lên Hà Nội, chạy xe từ Hà Đông lên Nội Bài hay sang Gia lâm, Đông Anh lấy hàng. Buổi tối lại đi học. Hôm nào cũng nửa đêm mới về đến nhà", chị cho biết.
Chị cứ nghĩ đơn giản cứ đi làm, đi học, trước lúc sinh nghỉ vài ngày như thế chuyện học sẽ không bị gián đoạn. Thế nhưng vào tháng thứ 5, một hôm chị đang đi lên Nội Bài thì bị ra huyết, bụng đau. Chị phóng xe về nhà nằm bất động 2 ngày vẫn không đỡ, khi nhập viện nằm được 2 tuần thì chuyển dạ sinh non.
Sau lần đầu, vợ chồng chị kế hoạch. Đến năm 2007 thì mang thai lần tiếp. Cái thai được 5 tuần thì chị bị xuất huyết, ra cục máu đông. Chưa kịp mừng với tin mang thai thì đã chịu nỗi đau khổ vì mất con.
Lần mang thai thứ 3 vào năm 2008, chị Tuyết vào Bệnh viện phụ sản trung ương điều trị. Mỗi ngày, chị đều tiêm một mũi thuốc nội tiết. Tuy nhiên đến tháng thứ 2 chị bị dọa sẩy, bụng đau, ra huyết. Chị đã phải nhập viện khâu tử cung.
Thế nhưng cái mốc tháng thứ 5 như một cái "dớp" khó qua khỏi. Mang thai được 18 tuần thì phải nhập viện. Ở đây chị được bác sĩ chuyên khoa giỏi nhất giúp đỡ. Ngày ngày tiêm thuốc nội tiết, đồng thời "treo chân" giữ thai. Nhưng ở viện đến tuần thứ 21 thì bác sĩ bảo đã hết nước ối. Chị Tuyết đành nuốt nước mắt ngậm thuốc sinh non.
Chị Mai (35 tuổi, Sơn La) kết hôn 7 năm nay và cũng sẩy thai tới 5 lần. Tất cả các lần đều là sẩy thai non, tức chỉ mang thai được vài tuần tự nhiên đau bụng, ra máu và lại có kinh bình thường.
“Niềm vui chưa nổi gang tay thì lại phải chịu oan ức. Hôm qua vừa báo tin cho mẹ chồng có thai, hôm nay lại nói không, bà nghĩ tôi nói dối, chồng cũng không tin. Nhưng nhầm sao được khi có tháng tôi dùng tới 20 que nhiều loại khác nhau đều 2 vạch rõ ràng", chị kể.
Những lần sau, ngay khi chậm kinh chị liền nhập viện thì bác sĩ kết luận bị sẩy thai sớm (sẩy thai non). Vợ chồng chị Mai đã đi bệnh viện làm đủ xét nghiệm từ di truyền, yếu tố máu RH+, CMV, rubela, chụp MRI tử cung vì bác sĩ nghi chị bị tử cung dị dạng 2 sừng. Tất cả đều bình thường.
"Tháng 10 năm ngoái tôi mang thai, ngay lúc đó đến bác sĩ tiêm hết thuốc này đến thuốc khác. Thế mà khi thai được 6 tuần lại đau bụng và sẩy. Đã được khám, tư vấn và điều trị nghiêm ngặt rồi vẫn không giữ được con", mắt chị đỏ hoe nhớ lại chuyện cũ.
Lần mang thai thứ 5 vào tháng 5 vừa rồi, chị Mai cũng nhập viện, đã tốn nhiều tiền mua thuốc nội tiết giữ thai để tiêm dần. Sau đó chị lại được giới thiệu đến địa chỉ đông y bốc thuốc an thai. Uống vào chị thấy cơ thể khác hẳn. Nguời phụ nữ này không theo tây y nữa mà xin nghỉ làm, thuê nhà trọ cạnh phòng khám đông y. Sau khoảng 2 tuần điều trị chị khỏe mạnh hơn. Giờ thai nhi đang ở tháng thứ 4.
Theo lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Tuyết thuộc thể can huyết nhiệt (máu nóng), niêm mạc mỏng, tử cung thấp (tử cung ngắn) dễ sẩy. Dù dễ có thai nhưng lại rất khó giữ. Những người đã sẩy thai một lần thì rất dễ sẩy lần 2. Đông y có từ quen dùng là "sẩy thai quen dạ".
Những lần mang thai trước, tuy đều được tiêm thuốc nội tiết, kiểm tra thai sản nghiêm ngặt, khâu tử cung, thậm chí nằm "treo chân" bất động, nhưng chị Tuyết đều không giữ được thai. Nguyên nhân vì thai đang bị động, cơ thể người mẹ lại yếu, không thể đủ sức giữ thai.
"Trong y học cổ truyền có những bí quyết giúp an thai, giữ được em bé mà y học hiện đại không làm, cũng như không lý giải được", lương y Phó Hữu Đức nói.
Thạc sĩ lương y Vũ Quốc Trung cho biết thêm thực tế phụ nữ sẩy liên tiếp nhiều lần sẽ dẫn tới vô sinh, khó có con. Trong đông y nguyên nhân chính dẫn tới sẩy thai nhiều lần, mang thai khó giữ là do nội tiết. Vị này khuyên: "Người hay sẩy thai không nên sinh đẻ quá dày, nếu không có thai lại dễ sẩy, tạo thành tiền lệ để khí huyết bị hư tổn, mạch Xung Nhâm bị tổn thương, cuối cùng dẫn đến vô sinh".
Theo đó khoảng cách có thai nên cách nhau ít nhất 6 tháng để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại. Quan trọng nhất là ngay khi có thai nên có bác sĩ theo dõi, hạn chế tối đa đi lại, lo nghĩ, lao động nặng... Uống thuốc an thai tới lúc thai nhi cứng cáp sẽ không dễ bị sẩy nữa.
Phan Dương