Trong phiên đấu giá mùa xuân có tên "Đêm nghệ thuật đương đại" của China Guardian hôm 20/5, tác phẩm "Mona Lisa - Thiết kế về nụ cười" được gõ búa với giá 80,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 12,6 triệu USD) bao gồm thuế phí. Bức tranh sơn dầu được Lãnh Quân vẽ năm 2004, với kích thước 125x45 cm. Trên nền đen, ông khắc họa hình ảnh người phụ nữ phương Đông đang mỉm cười. Theo Beijing Daily, từng sợi tóc, da thịt, quần áo của người phụ nữ trong tranh như ảnh chụp, ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị giác người xem. Tác phẩm từng đoạt giải Xuất sắc tại Triển lãm Mỹ thuật Trung Quốc lần thứ 10. Ảnh: China Guardian. Lãnh Quân sinh năm 1963 tại Tứ Xuyên, tốt nghiệp khoa Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Vũ Hán năm 1984. Ông hiện là phó hiệu trưởng Học viện Mỹ thuật Vũ Hán. Ông được xem là biểu tượng của hội họa cực thực của Trung Quốc. Mỗi tác phẩm của ông mất từ sáu tháng đến một năm để hoàn thành, độ chân thực cao, không ai có thể sao chép. Trong phiên đấu giá mùa thu với chủ đề "Đêm nghệ thuật đương đại và thế kỷ 20" của China Guardian hồi tháng 11/2019, bức tranh sơn dầu "Tiêu tượng chi tương - Tiểu Khương" của ông được bán với mức 70,15 triệu NDT (10,9 triệu USD). Theo Nhân dân Nhật báo, Lãnh Quân tình cờ gặp Tiểu Khương - nhân vật trong tranh - trong một lần dùng bữa tại nhà hàng. Cô gái khi đó 19 tuổi, là nhân viên phục vụ của nhà hàng. Ông ấn tượng với vẻ đẹp mộc mạc, trong sáng của cô nên ngỏ lời mời làm mẫu. Họa sĩ vẽ tác phẩm trong một năm, tỉ mỉ từ làn da, sợi tóc cho đến những mũi khâu của chiếc áo len. Trang này nhận xét: "Tiểu Khương gần như đại diện cho đỉnh cao của tranh sơn dầu siêu thực hiện nay. Tác phẩm thu hút hàng triệu người tới thưởng thức khi trưng bày tại các triển lãm". Ảnh: Lengjun.artron. Lãnh Quân bên tác phẩm ""Tiêu tượng chi tương - Tiểu Khương". Ảnh: QQ. Theo mymordenmet, Hyperrealism (Chủ nghĩa cực thực) có liên quan chặt chẽ với sự phát triển của nghệ thuật nhiếp ảnh. Hyperrealism trong hội họa, điêu khắc là sáng tạo nghệ thuật mô phỏng chủ thể với độ chân thật cực cao, như bức ảnh có độ phân giải lớn nhưng đồng thời có sự phức tạp về chủ đề, cách thể hiện, cảm xúc. Tác phẩm theo trường phái này còn miêu tả những điều mắt thường không quan sát được. Trào lưu nghệ thuật phát triển mạnh những năm 2000, dù ra đời khoảng những năm đầu thập niên 1970. Tại phiên đấu giá mùa thu của Poly ở Bắc Kinh năm 2010, bức "Chân dung Tiểu La" được bán với giá 31,36 triệu NDT (4,9 triệu USD) - mức cao nhất cho tranh sơn dầu vẽ người thật hiện đại của Trung Quốc bấy giờ. Tác phẩm được vẽ năm 2005, trong vòng 5 tháng, được giới chuyên môn đánh giá "tinh tế, chân thực và tự nhiên". Theo Sohu, Tiểu La trong tranh thực chất là La Mẫn - vợ của họa sĩ Lãnh Quân. Cô sinh năm 1981 tại Trùng Khánh. La Mẫn khi đó đang là giáo viên tiểu học, ngưỡng mộ tài năng, sự kiên trì của Lãnh Quân nên bỏ nghề, làm mẫu cho ông. Cô cho biết những ngày tháng làm mẫu rất vất vả và nhàm chán. Mỗi ngày, cô phải ngồi nguyên một tư thế từ 8h đến khuya. Sau đó, La Mẫn theo học Học viện Mỹ thuật Quảng Châu rồi trở thành họa sĩ. Họ kết hôn năm 2007, ly hôn năm 2015. Ảnh: Epaillive. Ngoài vẽ người, Lãnh Quân vẽ đồ vật, cảnh vật, tĩnh vật... Trong phiên đấu giá tháng 6/2019 của China Guardian, bức "Phong cảnh thế kỷ số ba" được bán với giá 43,7 triệu nhân dân tệ (6,8 triệu USD). Tác phẩm ra đời năm 1995, lấy cảm hứng từ tòa nhà thương mại ở Seoul, Hàn Quốc bị sập, những món đồ chơi trẻ em đầy màu sắc lẫn lộn giữa đống bê tông cốt thép. Ảnh: Arton. Bức "Hòa thu" vẽ một khóm trúc được bán với giá 17,25 triệu NDT (gần 2,7 triệu USD). Ảnh: Arton. Trong phiên đấu giá năm 2014, bức "Chỉ tay", tranh sơn dầu vẽ chiếc găng tay sờn rách của công nhân xây dựng, được gõ búa với mức giá 6,9 triệu nhân dân tệ (1,08 triệu USD). Ảnh: Arton. Hiểu NhânTranh đắt đỏ của châu Á Những bức tranh triệu USD của mỹ thuật Việt Tranh Việt triệu USD: Cuộc đua chưa cân sức ở châu Á