Hãy tưởng tượng một ứng dụng điện thoại di động có thể truy cập lịch sử y khoa của bạn và chấm điểm bạn hàng ngày dựa trên các tiêu chí định sẵn, những cuộc kiểm tra sức khỏe gần đây và thói quen sống. Việc bạn uống bao nhiêu rượu, có hút thuốc không, tập thể dục và ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày có thể ảnh hưởng tới điểm số của bạn, qua đó làm tăng giảm xếp hạng cá nhân. "Điểm số sức khỏe" này sẽ được đính vào một mã QR trên điện thoại của người dùng, sẵn sàng quẹt bất cứ khi nào cần.
Đây là kế hoạch mà chính quyền thành phố Hàng Châu, phía đông Trung Quốc, đang ấp ủ thực hiện đối với hơn 10 triệu cư dân, lấy cảm hứng từ hệ thống "mã y tế" mà thành phố áp dụng trong đại dịch Covid-19 nhằm xác định nguy cơ lây nhiễm của từng người dân.
Trên toàn cầu, các chính phủ đã tăng cường thu thập dữ liệu cá nhân của người dân trong cuộc chiến chống nCoV. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng những biện pháp này có thể được duy trì ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua, đe dọa quyền riêng tư.
Mối lo ngại đó đã được khuếch đại trong cộng đồng cư dân Hàng Châu khi chính quyền thành phố hôm 22/5 thông báo đang lên kế hoạch sử dụng vĩnh viễn ứng dụng "mã y tế".
Từ tháng hai, chính quyền Trung Quốc đã dùng hệ thống "mã y tế" để theo dõi, kiểm soát mọi di chuyển của người dân và ngăn chặn virus lây lan. Những mã số riêng tạo tự động được nhúng vào mã QR và phân cho từng người dân như một chỉ báo về tình trạng sức khỏe. Mã y tế được tham chiếu theo ba màu sắc là đỏ, hổ phách và xanh. Chúng giúp xác định liệu người dùng có thể rời nhà, sử dụng các phương tiện công cộng hay tới những nơi công cộng hay không.
Các mã y tế cũng giúp theo dõi thông tin di chuyển của người dùng. Nhà chức trách sẽ quét mã mỗi khi người dùng đến các không gian công cộng. Khi phát hiện một trường hợp nhiễm virus, nhà chức trách sẽ nhanh chóng xác định bệnh nhân đã đi những đâu và tiếp xúc với những ai.
Hàng Châu là thành phố đầu tiên của Trung Quốc sử dụng hệ thống mã y tế để xác định công dân nào cần được cách ly. Nhưng nay, chính quyền thành phố cho biết họ muốn "phổ cập hóa mã y tế", đồng nghĩa nó có thể vẫn được sử dụng sau đại dịch.
Tại một cuộc họp của Ủy ban Y tế Hàng Châu ngày 22/5, Sun Yongrong, chủ tịch ủy ban, nói họ đang tìm cách thiết lập một hệ thống có thể tính điểm công dân, chỉ định mã màu và xếp hạng dựa trên những dữ liệu về lịch sử y khoa, các lần kiểm tra y tế và thói quen sinh hoạt của từng người.
Hình ảnh mô phỏng hệ thống được đăng trên website của ủy ban cho thấy điểm số sức khỏe hàng ngày sẽ dao động từ 0 đến 100, tương ứng với mỗi màu trong một dải màu từ đỏ sang xanh lá cây.
Điểm số có thể thay đổi dựa trên hoạt động mỗi ngày của người dân. Ví dụ, 15.000 bước đi bộ mỗi ngày sẽ giúp người dùng tăng 5 điểm nhưng tiêu thụ 200 ml rượu trắng, loại rượu mạnh của Trung Quốc, sẽ bị trừ 1,5 điểm. 5 điếu thuốc mỗi ngày sẽ khiến người dùng bị trừ 5 điểm, trong khi 7,5 tiếng ngủ giúp người dùng tăng một điểm.
Theo Sun, các công ty và cộng đồng dân cư cũng có thể được chấm điểm. Một hình ảnh minh họa cho thấy điểm số y tế áp dụng cho công ty được rút ra từ hàng loạt yếu tố như nhân viên của công ty đó tập luyện thể dục và ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày, bao nhiêu công nhân thực hiện kiểm tra y tế thường niên hay công ty theo dõi, kiểm soát các bệnh mãn tính ở nhân viên như thế nào.
Hiện chưa rõ cách mà ứng dụng thu thập dữ liệu và điểm số sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống thường ngày của người dân cũng như hoạt động của doanh nghiệp ra sao. Tuy nhiên, đề xuất trên đã lập tức nhận được những ý kiến chỉ trích, phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc do lo ngại quyền riêng tư bị xâm phạm.
"Lịch sử y khoa và các dữ liệu kiểm tra sức khỏe là thông tin cá nhân, tại sao chúng lại được bao gồm trong mã y tế để trình cho người khác xem? Điểm sẽ bị trừ do hút thuốc, uống rượu và ngủ không đủ giấc, không phải điều này có nghĩa là cuộc sống của chúng ta sẽ bị kiểm soát hoàn toàn ư?", một người dùng Weibo, mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc, viết.
"Trong đại dịch thì chúng tôi không có lựa chọn nào khác nhưng tôi hy vọng sau dịch, mọi người sẽ có quyền xóa ứng dụng này thay vì phổ cập nó", một người khác bình luận.
Một số người còn bày tỏ lo lắng về khả năng ứng dụng bị các công ty bảo hiểm và công ty marketing lợi dụng khai thác thông tin. Số khác e ngại khả năng dẫn tới tình trạng phân biệt đối xử với người có điểm số thấp.
Song nhiều người dùng Internet Trung Quốc hoài nghi về tính khả thi của kế hoạch, đề cập tới những khó khăn về kỹ thuật như làm thế nào để chuyển đổi những điều kiện y khoa khác nhau thành điểm số và đưa ra thuật toán phù hợp.
"Đây là một bước đi quá lớn. Dù người dân Trung Quốc sẵn sàng hy sinh quyền riêng tư để đổi lại sự thoải mái, hệ thống điểm y tế chắc chắn sẽ khiến nhiều người dùng bất bình", một người bình luận.
Vũ Hoàng (Theo CNN)