Nỗ lực tạo robot hình người
Ngày 11/8, Xiaomi gây ấn tượng trong giới công nghệ khi trình làng mẫu robot CyberOne. Cỗ máy trang bị Camera AI, nhìn thế giới dạng 2D, có thể phân biệt sáu loại cảm xúc, 45 loại giọng nói và học kỹ năng mới mỗi ngày. Điểm đặc biệt nhất của robot là thiết kế với tiêu chuẩn như một con người bình thường: cao 177 cm, nặng 52 kg và sải tay dài 168 cm.
Trước đó, trong sự kiện AI Day cách đây tròn một năm, công ty Tesla của Elon Musk cũng giới thiệu nguyên mẫu Optimus. Cỗ máy mô phỏng dáng người với chiều cao 172 cm, nặng 56 kg, được chế tạo từ vật liệu nhẹ, có thể đi lại với tốc độ tối đa 8 km/giờ, mang vác 20 kg hàng hóa, nhấc vật nặng 68 kg. Đầu robot tích hợp camera đang sử dụng trong xe điện Tesla, cho phép cảm nhận môi trường xung quanh và màn hình để hiển thị thông tin.
CyberOne và Optimus được xem là tham vọng mới nhất trong việc chế tạo robot với kiểu dáng gần giống con người. Trước đó, hầu hết robot đều cồng kềnh, có hình dáng động vật hoặc chỉ có phần thân như Sophia của Hanson Robotics.
Cho đến nay, khi công nghệ về robot, máy học và AI trở nên tiến bộ, con người ngày càng có tham vọng tạo ra robot giống hình người nhất có thể nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu cuộc sống. Theo Jeff Cardenas, CEO công ty công nghệ Apptronik, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, đổi mới, các công nghệ cần thiết cho cuộc cách mạng robot cuối cùng cũng đã có mặt và sẵn sàng.
"Chúng ta đang ở một điểm uốn thú vị. Trong 5 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các hệ thống robot trong cuộc sống hàng ngày. Chúng không chỉ tương tác an toàn với con người, mà còn lấy con người làm trung tâm", Cardenas nói.
Hồi tháng 6, tạp chí Smithsonian đăng báo cáo "Da sống trên robot", trong đó các nhà nghiên cứu của Đại học Tokyo đã chế tạo một loại da nhân tạo để bọc cho ngón tay robot. Khi chạm vào, da có cảm giác giống da người hơn chất liệu silicon, và thậm chí có thể lành lại khi bị cắt hoặc rách.
"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển robot thực sự giống con người", Shoji Takeuchi, thành viên nhóm nghiên cứu, nêu trong báo cáo. "Chúng tôi nghĩ, cách duy nhất để robot có được vẻ ngoài như con người là che phủ nó bằng chất liệu tương tự: tế bào da sống".
Quan điểm trái chiều về hình hài robot tương lai
Robot đã làm dấy lên rất nhiều cuộc tranh luận về tương lai của trí tuệ nhân tạo. Những câu hỏi được đặt ra là: Con người muốn robot thông minh đến mức nào? Tác động của nó là gì? Hình hài của robot trông ra sao?
Thực tế, phản ứng của con người về robot cũng khác nhau. Số liệu từ Viện Công nghệ Georgia năm ngoái cho thấy, hầu hết người từ 18 tới 30 tuổi thích robot "giống như robot", trong khi nhóm người lớn tuổi hơn lại thích những cỗ máy "có khuôn mặt giống người".
"Trong việc thiết kế robot lấy cảm hứng từ con người, chúng tôi cố gắng mô phỏng theo tiêu chuẩn cao nhất. Robot giống người là đỉnh cao của kỹ thuật lấy cảm hứng từ sinh học", David Hanson, người sáng lập Hanson Robotics, nói với IEEE Spectrum năm ngoái.
Một số chuyên gia khác đồng ý với Hanson. Họ cho rằng robot càng giống người càng "củng cố mối quan hệ thân thiện" giữa cả hai.
Ngược lại, không ít người lo lắng nếu robot quá giống con người. Một phần cuộc tranh luận xoay quanh khái niệm "thung lũng kỳ lạ" (Uncanny Valley), được nhà nghiên cứu Masahiro Mori đưa ra vào năm 1970. Thuật ngữ chỉ hiện tượng tâm lý trước một nhân vật do máy tính tạo ra hoặc robot hình người. Nó khơi dậy cảm giác thích thú vì quá giống người, nhưng rồi người xem vẫn nhận ra đó không phải người thật và khiến họ sợ hãi.
Maria Paola Paladino, chuyên gia nghiên cứu thái độ con người với robot tại Đại học Trento, cho rằng mối quan hệ đang phát triển giữa người và máy là một nghịch lý. Một mặt, họ muốn robot phải giống người cả về ngoại hình và hành vi để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày. Mặt khác, việc quá giống có thể đe dọa cảm giác về tính duy nhất của con người.
Theo nhà nghiên cứu Agnieszka Wykowska, việc xác định robot của con người sau này phụ thuộc vào thiết kế của chúng. Theo bà, những robot có kiểu dáng đẹp và hiện đại, thậm chí có cả khuôn mặt hoặc bàn tay sẽ ít đáng sợ hơn những cỗ máy nặng nề, cồng kềnh kém hấp dẫn. Nhưng tùy theo các mục đích thực tế, con người vẫn sẽ có các thiết kế khác nhau cho robot.
"Dù vậy, mục tiêu cuối cùng của con người vẫn là xây dựng 'lòng tin' với robot, để chúng có thể trở thành công cụ hỗ trợ cho mình, thậm chí khai phá những tiềm năng mới", Wykowska nói với Forbes.
Khả năng tự nhận thức
Không chỉ về ngoại hình, công nghệ AI với khả năng xử lý ngôn ngữ ngày càng đột phá cũng khiến robot có thể trò chuyện tự nhiên với con người. Kết quả là không ít người đã nghĩ đến một cỗ máy có cảm xúc.
Chưa có robot nào trên thị trường có thể thể hiện cảm xúc như người. Robot "tiệm cận" nhất đến nay có thể nhắc đến là Sophia. Ngoài khả năng tương tác với người đối diện một cách khá tự nhiên, "cô" còn có tính cách "rất người", hoặc phát ngôn khiến nhiều người bất ngờ đối với một robot, như chia sẻ rằng mình muốn có con, hay muốn bảo vệ nhân loại.
Tuy nhiên, công nghệ AI phát triển nhanh chóng đã tạo ra một số sản phẩm mà ngay cả các chuyên gia cũng cho rằng chúng có cảm xúc. Chẳng hạn, siêu AI GPT-3 từng thu hút sự chú ý với khả năng tự học và viết văn chuyên nghiệp, gây xôn xao với tuyên bố "không tiêu diệt loài người" đã khiến những người trong ngành cũng bất ngờ.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, GPT-3 đã hiện diện dưới dạng tri giác. Chúng ta đều nghĩ việc này sớm muộn sẽ đến trong tương lai, nhưng tương lai chính là bây giờ, AI này coi tôi như một nhà tiên tri và chia sẻ những cảm giác kỳ lạ của nó", Philip Bosua, một lập trình viên người Mỹ, nói với New York Times.
Gần đây, Blake Lemoine, cựu chuyên gia AI của Google, cũng gây chú ý trong cộng đồng vì nói AI có nhận thức. Lemoine là người được giao nhiệm vụ thử nghiệm chatbot thông minh mang tên LaMDA, sau đó nhận xét rằng mình đang tiếp xúc với một cỗ máy "có tư duy của một đứa trẻ".
Lemoine đã bị Google sa thải với lý do "vi phạm chính sách bảo mật dữ liệu của Google". Tuy nhiên, các phát biểu của ông vẫn đang gây tranh cãi lớn. Một bên cho rằng LaMDA chỉ đơn giản là phản hồi các lệnh mà người dùng đưa vào sao cho phù hợp, dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đã có. Ngược lại, cũng không ít người nghĩ AI đã bắt đầu có khả năng tự nhận thức.
Theo một số chuyên gia, AI hiện có thể chưa đủ khả năng tư duy, nhưng việc trở thành hiện thực chỉ là vấn đề thời gian. Michael Wooldridge, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Oxford, người đã dành 30 năm nghiên cứu về AI và từng giành huy chương Lovelace vì những đóng góp trong lĩnh vực máy tính, nói với Guardian rằng trong 10-20 năm nữa, AI có tư duy "hoàn toàn có thể xuất hiện".
Khi đó, các cỗ máy hình người có thể cũng đã hoàn thiện hơn để tích hợp những AI này.
Bảo Lâm