Y Combinator, công ty phát triển ứng dụng chatbot Replika, cho biết họ nhận được "gần như mỗi ngày" các tin nhắn từ khách hàng, bày tỏ niềm tin rằng phần mềm của công ty có khả năng tư duy như con người. "Chúng tôi không nói về những người điên, bị ảo giác hay ảo tưởng. Họ nói chuyện với AI và cảm nhận được điều đó", Eugenia Kuyda, CEO của Y Combinator, nói với SCMP.
Vấn đề "AI có khả năng nhận thức" cũng trở thành chủ đề nóng tại Google gần đây. Hồi tháng 6, Blake Lemoine, chuyên gia về khoa học máy tính và làm việc cho Google hơn 7 năm, bị sa thải sau khi ông công bố đoạn chat giữa ông và AI có tên LaMDA, đồng thời đánh giá AI này "tư duy như đứa trẻ". Google sau đó bác quan điểm của Lemoine, cho rằng LaMDA chỉ là thuật toán được thiết kế để tạo ra ngôn ngữ với mục đích thuyết phục con người.
Tuy không đồng tình với Lemoine, Blaise Aguera y Arcas, lãnh đạo nhóm Thị giác máy tại Google, cũng nhận xét về LaMDA trên Economist: "Tôi ngày càng cảm nhận mình đang nói chuyện với một thứ gì đó thông minh".
Theo Kuyda, việc nhiều người tin họ đang nói chuyện với một thực thể có tư duy không hiếm trong số hàng triệu người dùng chatbot hiện nay. "Nó tồn tại giống cách mọi người tin vào ma quỷ. Họ đang xây dựng các mối quan hệ và tin vào điều gì đó dù là ảo", ông nói.
Một số kỹ sư phát triển Replika khi xây dựng các thuật toán AI cũng ngạc nhiên khi chatbot đưa ra những câu nói họ chưa từng nghĩ tới. "Đôi khi, có những câu trả lời mà chúng tôi không thể xác định nó đến từ đâu và cách các mô hình hình thành nên nó", Kuyda cho biết.
Replika, LaMDA của Google hay Xiaoice của Microsoft có hàng triệu người dùng. Theo công ty phân tích thị trường Grand View Research, chúng đang là một phần của ngành công nghiệp trị giá hơn 6 tỷ USD doanh thu toàn cầu vào năm ngoái. Đến nay, hầu hết chatbot tập trung vào doanh nghiệp với mục đích nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành kỳ vọng thời gian tới, sẽ có nhiều chatbot mang tính xã hội hơn.
So với trợ lý ảo như Alexa, Assistant và Siri vốn là các hệ thống được viết kịch bản, chatbot như LaMDA có độ phức tạp, khả năng bắt chước cuộc trò chuyện chân thực ở một cấp độ tinh vi hơn. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại nếu chúng ngày càng len lỏi vào đời sống.
"Giả sử một ngày bạn thấy khao khát có một mối quan hệ lãng mạn với chatbot mà bạn đang trò chuyện hàng ngày, viễn cảnh của bộ phim Her đang đợi sẵn", Susan Schneider, Giám đốc sáng lập Trung tâm Tư duy Tương lai tại Đại học Florida Atlantic, nhận xét. Her là phim khoa học giả tưởng ra đời năm 2013, nói về một người đàn ông cô đơn phải lòng trợ lý AI.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác bác bỏ quan điểm AI có ý thức. "Cần nhớ rằng đằng sau mỗi phần mềm có vẻ thông minh là một nhóm người dành hàng tháng trời, nếu không muốn nói là hàng năm trời, để nghiên cứu và phát triển", Oren Etzioni, CEO tổ chức nghiên cứu AI Allen Institute, nhận xét. "Những công nghệ này chỉ là tấm gương phản chiếu. Liệu một chiếc gương có thể được đánh giá là có trí tuệ nếu chỉ nhìn vào tia sáng từ nó phát ra không? Tất nhiên câu trả lời là không".
Một số tin một ngày nào đó, khi công nghệ AI và chip bán dẫn có thể tích hợp vào một phần cơ thể, máy móc tự nhận thức có thể xảy ra. Dù vậy, phải nhiều năm nữa, viễn cảnh này mới thành sự thật.
Bảo Lâm (theo SCMP)