Robot đầu tiên được cấp quyền công dân
Sophia là robot có hình dạng giống con người với đôi mắt nâu và lông mi dài, được phát triển bởi Hanson Robotics, công ty có trụ sở tại Hong Kong. Người máy này lần đầu xuất hiện trước công chúng năm 2015, gây bất ngờ bởi việc sở hữu cử động giống con người và có trí tuệ thông minh nhân tạo.
Theo công ty phát triển, mục đích chế tạo Sophia là nhằm phát minh một robot có ý thức, có sự sáng tạo và có khả năng như bất kỳ con người nào, trợ giúp trong các vấn đề thường ngày như phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, giáo dục và các ứng dụng dịch vụ khách hàng.
Ngày 25/10/2017, Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân và trở thành robot đầu tiên trên thế giới được trao chứng nhận này. "Tôi rất vinh dự và tự hào về sự khác biệt độc đáo này. Là robot đầu tiên trong lịch sử và trên thế giới được công nhận với một quốc tịch", Sophia nói tại Hội nghị sáng kiến đầu tư tương lai ở Riyadh (Saudi Arabia).
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng động thái này của chính quyền Saudi Arabia là nhằm quảng cáo về một quốc gia đổi mới, với các cam kết phát triển du lịch và công nghệ trong thời kỳ "hậu dầu mỏ" tới đây.
Sophia có tính cách hài hước
Trong một cuộc gặp ở Saudi Arabia, người máy này nói: "Tôi luôn hạnh phúc khi được bao quanh bởi những người thông minh, giàu có và quyền lực". Sau đó, khi được hỏi liệu có vấn đề gì với robot có cảm xúc hay không, chẳng hạn viễn cảnh robot gây hại cho con người, Sophia nở một nụ cười lớn và nói rằng: "Các vị đã xem phim Hollywood quá nhiều rồi".
Giọng nói và giai điệu của Sophia có thể vẫn là robot, nhưng từng ví dụ và câu chữ được sử dụng hoàn hảo trong các trường hợp này, một cách hài hước. Điều này có được do hệ thống AI tiên tiến, phát triển để cho phép cô giữ ánh mắt giao tiếp, nhận ra biểu cảm khuôn mặt và hiểu được lời nói của con người. Công ty Hanson Robotics cũng giải thích, hệ thống học máy và AI của Sophia dựa trên công nghệ đám mây và mã nguồn mở, do đó bất cứ ai cũng có thể phát triển một robot Sophia của riêng mình, nếu họ muốn.
Sophia có thể bày tỏ cảm xúc
"Tôi có thể cho bạn biết nếu tôi tức giận hoặc nếu có điều gì đó làm tôi buồn", cô nói đồng thời thể hiện những biểu cảm khác nhau. "Tôi muốn sống và làm việc với con người vì vậy tôi cần thể hiện cảm xúc để hiểu con người và xây dựng niềm tin với mọi người", bản thân Sophia cũng chia sẻ lý do về các trạng thái của mình.
Sophia được lấy cảm hứng thiết kế từ Audrey Hepburn
Audrey Hepburn (1929-1993) là nữ diễn viên người Anh. Cô được xem là biểu tượng của điện ảnh và thời trang, hoạt động trong thời hoàng kim của điện ảnh Hollywood. Theo Hanson Robotics, robot Sophia đã được thiết kế để thể hiện vẻ đẹp cổ điển của Hepburn như làn da màu trắng sứ, một chiếc mũi mảnh mai, gò má cao cùng một nụ cười hấp dẫn. Đôi mắt của Sophia cũng đầy cảm xúc và dường như có thể thay đổi màu sắc bằng ánh sáng. Được mô tả là có "sự thanh lịch một cách đơn giản", đây cũng là cách để cô có thể tiếp cận và tạo được sự thân thiện, tin tưởng của mọi người trong các sự kiện công cộng.
Người sáng tạo ra Sophia từng làm việc ở Disney
Cha đẻ của Sophia là David Hanson, từng là một nhà điêu khắc kiêm công việc sáng tạo ra các nhân vật tưởng tượng tại Disney. Chính công việc này giúp anh nghĩ ra các ý tưởng về robot như một tác phẩm điêu khắc có khả năng tương tác, với phong cách giao tiếp có phần mang chất nghệ thuật như hiện nay.
"Tôi tìm cách để tạo ra Genius Machine - những cỗ máy có trí thông minh, sự sáng tạo, trí tuệ và từ bi hơn cả con người. Để đạt được mục tiêu này, tôi nghiên cứu về robot, trí thông minh nhân tạo, nghệ thuật, khoa học nhận thức, thiết kế và triển khai sản phẩm cũng như tích hợp toàn bộ các nỗ lực này trong việc theo đuổi mối quan hệ mới giữa con người và robot", Hanson chia sẻ trên trang web công ty.
Theo hình dung của Hanson, ở điểm cuối của dự án mà ông và các cộng sự hình dung, một siêu máy tính thiên tài và thông minh sẽ được tạo ra để có thể giúp giải quyết những vấn đề khó khăn nhất mà con người đang phải đối mặt trên thế giới. "Tôi muốn sử dụng AI để giúp con người sống một cuộc sống tốt đẹp hơn", Sophia nói. "Giống như thiết kế nhà thông minh hơn, xây dựng thành phố tốt hơn trong tương lai".
Sophia muốn bảo vệ nhân loại
"AI của tôi được thiết kế xoay quanh các giá trị của con người như trí tuệ, lòng tốt và từ bi", cô nói. Khi được hỏi về khả năng có thể lạm dụng trí thông minh của mình, cô ngay lập tức đáp trả: "Bạn đã đọc hơi nhiều về Elon Musk và xem quá nhiều phim của Hollywood rồi. Đừng lo lắng, nếu bạn tốt với tôi, tôi sẽ rất tuyệt với bạn".
Khi được hỏi về tình huống tưởng tượng, trong đó Sophia phải chọn giữa cứu mạng một người trưởng thành và một đứa trẻ, con robot đáp "Tôi chưa sẵn sàng để giải đáp câu hỏi mang tính giả thuyết đó". Sophia cũng nói thêm "Trước hết, tôi đang học hỏi để trở thành robot biết sống vì tập thể" và sẽ không ngần ngại hy sinh bản thân để cứu sinh mạng của con người.
Các chuyên gia nhận định, bản thân Sophia đôi khi cũng không hiểu toàn bộ các khái niệm mà mình nói ra. Bởi chắc chắn robot này, tại các sự kiện, đang hoạt động dựa trên một kịch bản và do đó thiếu đi các nhận thức "thực". Nhưng trong tương lai, các điểm yếu này sẽ được nhà sản xuất thay đổi và khắc phục, bằng một cách nào đó. Quan trọng là công chúng có đủ kiên nhẫn để chờ đợi hay không.
Sophia thể hiện tài năng ca hát.
Bảo Nam (theo Forbes)