Cuốn sách gây bão "Lửa và Cuồng nộ: Bên trong Nhà Trắng của Trump", tác giả Michael Wolff, xuất bản mới đây đã làm dấy lên nhiều hoài nghi về sức khỏe tâm thần ở Tổng thống Donald Trump. Nhưng bên cạnh đó, một câu hỏi khác cũng xuất hiện: Tại sao tổng thống Mỹ, người quyền lực nhất thế giới, lại không bị đòi hỏi trải qua một bài kiểm tra sức khỏe tâm thần nghiêm ngặt, theo CNN.
Trump tự bảo vệ mình bằng lời khẳng định trên Twitter rằng ông là "thiên tài ổn định". Tuy nhiên, phát ngôn từ ông chủ Nhà Trắng vẫn không thể xua tan câu hỏi vì sao một người nắm giữ mã hạt nhân quốc gia lại không phải trải qua những cuộc sát hạch, đánh giá năng lực tâm thần kỹ lưỡng.
Tranh cãi
"Tôi nghĩ việc chúng ta yêu cầu điều đấy là hoàn toàn hợp pháp", Julian Zelizer, giáo sư về lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton, cho hay. "Đây không phải chuyện liên quan đến bê bối hay vạch trần ai. Nó liên quan đến việc tìm hiểu xem liệu một người nào đó có phù hợp để lãnh đạo quốc gia không và liệu bản thân tổng thống hay đất nước hay các cố vấn cho ông có vấn đề nào mà họ cần biết không".
Trump, 71 tuổi, ngày 12/1 sẽ trải qua kỳ kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm Y khoa Quân đội Quốc gia Walter Reed. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hứa sẽ cung cấp kết quả sớm nhất có thể nhưng việc chọn công bố thông tin nào vẫn phụ thuộc vào Tổng thống.
CNN đã liên lạc với hàng loạt cựu bác sĩ tại Nhà Trắng để tìm hiểu về những quy trình thường được thực hiện trong các kỳ kiểm tra sức khỏe cho tổng thống Mỹ và họ có phải trải qua bài kiểm tra năng lực tinh thần nào không nhưng tất cả đều từ chối trả lời hoặc không thể tiếp cận.
Cuộc tranh luận xoay quanh năng lực tâm thần của tổng thống Mỹ không phải điều gì quá mới mẻ. Cựu tổng thống Jimmy Carter hồi giữa những năm 1990 từng tìm cách thay đổi các tiêu chí. Ông cho rằng người đứng đầu Nhà Trắng cần được đánh giá bởi một hội đồng chuyên gia y tế ở bên ngoài để tránh khiến kết quả bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm tính.
"Hiện nay, các nhận định đều do bác sĩ riêng của tổng thống đưa ra, những người luôn phải cố gắng cân bằng giữa niềm tin mà bệnh nhân dành cho họ và lợi ích đối với quốc gia. Chúng ta cần tìm cách khác tốt hơn", ông Carter viết hồi tháng 12/1994 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Carter đã thúc đẩy thành lập một nhóm chuyên gia y tế không thuộc đảng phái, không liên quan đến công việc chăm sóc tổng thống, để giao cho họ trách nhiệm "xác định tình trạng năng lực" của tổng thống, qua đó "giúp các bác sĩ riêng bên cạnh tổng thống không bị xung đột lợi ích".
Theo Zelizer, không nên tranh cãi về việc kiểm tra sức khỏe tâm thần của tổng thống bởi đây là điều bắt buộc đối với quốc gia.
"Mối lo lắng lớn nhất nằm ở quyền hành của tổng thống trong việc điều động các lực lượng, liệu nên sử dụng sức mạnh hạt nhân hay nên gửi binh sĩ đến khu vực xung đột. Cả hai đều tồi tệ. Đây chính là khía cạnh mà ta cần đảm bảo trí não của tổng thống hoạt động bình thường. Vậy nên, tôi nghĩ đó là vấn đề hàng đầu", Zelizer chia sẻ. "Hơn hết, điều này quan trọng với nền dân chủ: Chúng ta phải biết liệu một cá nhân ngồi trên chiếc ghế đó có phù hợp cả về thể chất lẫn tinh thần không".
Bà Gail Saltz, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Giáo hội Trưởng nhiệm New York, cho hay các bác sĩ nội khoa chắc chắn nên đặt ra những câu hỏi về trí nhớ và tình trạng tinh thần ở một người cao tuổi.
"Nếu bạn là một bác sĩ nội khoa giỏi, bạn phải hỏi về các vấn đề trên bởi chúng cần được phát hiện và điều trị", Saltz nói. "Tôi sẽ rất bất ngờ nếu Nhà Trắng bảo rằng sẽ không có những quy trình đánh giá về tâm thần và thần kinh" khi kiểm tra sức khỏe cho tổng thống.
Nhà Trắng hôm 8/1 cho biết các bài kiểm tra vào ngày 12/1 tới đây sẽ không bao gồm đánh giá năng lực tâm thần.
Trong khi đó, Nassir Ghaemi, giáo sư tâm thần học thuộc Trung tâm Y tế Tufts ở Boston, đã khám phá ra mối liên hệ giữa khả năng lãnh đạo vào bệnh tâm thần trong một cuốn sách do ông viết.
Ghaemi đưa ra cảnh báo về việc bãi bỏ một nhà lãnh đạo vì vấn đề sức khỏe tâm thần bởi một số nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử, ví dụ như cố thủ tướng Anh Winston Churchill hay tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, đều có quãng thời gian bị trầm cảm và họ hưởng những lợi ích nhất định từ tình trạng này.
"Những người có triệu chứng vui buồn thất thường ở thể nhẹ sẽ sáng tạo và có khả năng chịu đựng tốt hơn những người khỏe mạnh bình thường về tâm thần", Ghaemi nói với kênh CNN hôm 6/1.
Tác giả Michael Wolff đã viết rằng các cố vấn thân cận với Tổng thống Trump từng lo lắng về sức khỏe tâm thần của ông và những cuộc thảo luận về việc thay thế ông "hiện hữu mỗi ngày ở Nhà Trắng". Tuy nhiên, thông tin trên chưa được kiểm chứng.
Nhằm dập tắt những hoài nghi, chính quyền Trump cuối tuần qua đã đáp trả mạnh mẽ, chỉ trích Wolff cũng như cuốn sách của ông, đồng thời nỗ lực biện hộ cho ông chủ Nhà Trắng.
"Thực tế, suốt cuộc đời mình, hai tài sản lớn nhất tôi có là sự ổn định về tâm thần và rằng tôi thực sự thông minh", Tổng thống Trump tweet hôm 6/1.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định ông "chưa bao giờ hoài nghi" sức khỏe tâm thần của Tổng thống Trump và ông "không có lý do gì để nghi ngờ điều đó".
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo nhấn mạnh lại thông điệp trên vào ngày 7/1, miêu tả những lời nhận xét về sức khỏe tâm thần của Tổng thống Trump trong cuốn sách "hoàn toàn ngớ ngẩn". "Tổng thống vẫn đọc các tài liệu chúng tôi cung cấp. Ông ấy theo dõi chăm chú các cuộc họp báo cáo tình báo hàng ngày", Pompeo quả quyết.
Tuy nhiên, hạ nghị sĩ Dân chủ bang California Adam Schiff lại đưa ra đánh giá khác. "Rõ ràng, chúng ta đang có một người khiếm khuyết nghiêm trọng ngồi giữa Phòng Bầu dục", Schiff nói trong chương trình "State of the Union" trên kênh CNN hôm 7/1.
Tất cả những tranh cãi liên quan đến sức khỏe tâm thần của Tổng thống Trump dường như sẽ chỉ có thể khép lại sau khi kết quả kỳ kiểm tra sức khỏe ngày 12/1 được công bố. Song theo cây bút Wayne Drash và Ben Tinker từ CNN, nó thực tế cũng không mang nhiều ý nghĩa khi cuối cùng ông Trump vẫn là người quyết định nên chia sẻ điều gì.
Vũ Hoàng