Đòn giáng mới nhất vào mối quan hệ từng "mặn nồng" giữa các đồng minh lớn của Mỹ diễn ra hôm 17/3, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc trao thêm quyền lực cho các quốc gia thành viên nhằm ngăn xuất khẩu vaccine Covid-19, trong khi Anh là nước nhập khẩu nhiều vaccine từ EU nhất.
Bà von der Leyen giải thích rằng điều này nhằm bảo vệ lượng vaccine khan hiếm cho chính công dân của khối, đồng thời bày tỏ mong muốn Anh cũng cung cấp vaccine, nói thêm rằng EU nhận được hơn 300 yêu cầu về vaccine cho nước ngoài trong 6 tuần qua và chỉ từ chối một. Khối đã xuất khẩu 41 triệu liều sang 33 quốc gia.
"Điều này cho thấy châu Âu đang cố gắng hợp tác quốc tế hiệu quả. Nhưng cái gì cũng phải có đi có lại. Thật khó giải thích cho người dân rằng tại sao vaccine được sản xuất ở EU lại được chuyển sang các nước khác cũng đang sản xuất vaccine, nhưng chúng tôi không nhận lại gì", von der Leyen cho hay.
Đáp lại, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đề nghị EU giải thích lời đe dọa. "Tất cả chúng ta, gồm cả những người bạn châu Âu, vẫn luôn nói rằng việc can thiệp vào hợp đồng y tế hợp pháp là sai lầm", ông nói. "Chúng tôi hy vọng những cam kết và nguồn cung hợp pháp, theo hợp đồng sẽ được tôn trọng".
Tranh cãi xuất hiện trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng Covid-19 của Anh đạt thành công lớn, với gần một nửa số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều. Ngược lại, EU hứng nhiều chỉ trích vì tốc độ triển khai tiêm chủng chậm chạp.
Anh rời EU vào ngày 31/1/2020, chấm dứt 47 năm là thành viên liên minh. Hai bên bắt đầu mối quan hệ kinh tế mới vào đầu năm nay, dựa trên một thỏa thuận thương mại phút chót.
Khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết thỏa thuận này đánh dấu "một giải pháp cho câu hỏi cũ gây mệt mỏi và tranh cãi về quan hệ chính trị giữa Anh và châu Âu". Ông tuyên bố Anh sẽ "là người bạn và đồng minh tốt nhất mà châu Âu có thể có được".
Tuy nhiên, sự việc cho đến nay không đi theo chiều hướng đó. "Quan hệ giữa hai bên vô cùng bất hòa. Các kênh được mở để xử lý xung đột không hoạt động", Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành công ty tư vấn Eurasia Group, nhận xét.
Hôm 15/3, EU tuyên bố khởi động "quy trình khởi kiện vi phạm" nhằm vào Anh, cáo buộc London vi phạm thỏa thuận Brexit khi đơn phương thay đổi điều khoản Nghị định thư Bắc Ireland. Theo tài liệu này, Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan, để tránh phải thiết lập "biên giới cứng" giữa vùng này và Cộng hòa Ireland.
Hai bên thống nhất miễn kiểm tra hải quan với thực phẩm và nông sản từ Anh vào Bắc Ireland cho đến ngày 31/3, để doanh nghiệp Bắc Ireland có thời gian thích nghi với quy định mới, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra nhằm đảm bảo hàng hóa qua cảng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU. Tuy nhiên, Anh hôm 3/3 thông báo kéo dài thời hạn miễn kiểm tra đến ngày 1/10.
Thương mại giữa Anh và các quốc gia châu Âu cũng sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19, cùng những rào cản mới được áp dụng lần đầu tiên sau gần 5 thập kỷ. Theo số liệu của Anh, hàng xuất khẩu của nước này sang EU đã giảm 41% trong tháng 1, so với tháng trước đó, trong khi nhập khẩu giảm 56% so với một năm trước.
Covid-19 còn châm ngòi cho nhiều xung đột khác, khi hai bên rơi vào những tình thế khác nhau trong cuộc chiến chống đại dịch. Anh "hái quả ngọt" từ chiến dịch tiêm chủng nhờ cấp phép và triển khai vaccine sớm hơn EU, đồng thời "chốt đơn" vaccine nhanh hơn.
Tuy nhiên, một số chính trị gia hàng đầu và cơ quan quản lý y tế châu Âu sau đó đặt câu hỏi về mức độ hiệu quả ở nhóm người cao tuổi của vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford.
Giữa lúc nguồn vaccine AstraZeneca cho EU bị thiếu hụt, một số chính phủ châu Âu, bao gồm cả Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, quyết định tạm ngừng sử dụng loại vaccine này, do lo ngại những báo cáo về các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) hôm qua xác định vaccine AstraZeneca "hiệu quả, an toàn", không liên quan nguy cơ gây đông máu, dù họ "không loại trừ hoàn toàn" mối liên hệ giữa vaccine với chứng rối loạn đông máu hiếm gặp. Tuy nhiên, động thái này được cho là muộn màng, khi tỷ lệ người không tin tưởng vào loại vaccine này đã tăng vọt.
Các nhà vận động ủng hộ Brexit chỉ ra rằng những hỗn loạn vaccine của EU chứng minh rằng quyết định rời liên minh của Anh là đúng đắn. "Chỉ trong tuần này, chúng ta đã thấy điều gì sẽ xảy ra khi văn hóa phản khoa học, phản thương mại, phản công nghệ ở Brussels kết hợp với bộ máy vô cùng quan liêu. Chúng dẫn đến quyết định điên rồ là cảnh báo về vaccine AstraZeneca", Dominic Cummings, cựu cố vấn của Thủ tướng Johnson, nêu ý kiến.
Trong bài phát biểu tháng trước về tầm nhìn "Nước Anh Toàn cầu", Thủ tướng Johnson cam kết thúc đẩy các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, thậm chí tăng cường sự hiện diện của Anh ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông hầu như không đề cập đến EU, chỉ nhấn mạnh Anh sẽ được hưởng lợi nhiều thế nào khi cắt đứt quan hệ với khối.
"Anh thực sự cần một mối quan hệ đặc biệt và liên kết sâu sắc với EU. Nhưng chính phủ Johnson đã xác định tư tưởng của họ là không cần bất cứ điều gì từ liên minh", Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại ở London, nhận định.
Ánh Ngọc (Theo WSJ, NY Times)