Khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân gần đây nhất vào ngày 3/9/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lúc đó đang chuẩn bị đón các lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi tới tham dự một hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh. Hội nghị diễn ra ngay trước thềm một sự kiện trọng đại: Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.
Vụ nổ dưới lòng đất, cũng là vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng, đã gây ra động đất mạnh tới 6,3 độ, làm rung chuyển các ngôi nhà dọc biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, đồng thời làm dấy lên lo ngại ô nhiễm hạt nhân trong khu vực.
Vụ thử mà Bình Nhưỡng tuyên bố là "thành công hoàn hảo" được thực hiện sau nhiều tháng Triều Tiên liên tục phóng các loại vũ khí, trong đó có cả tên lửa tầm xa với khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
Bắc Kinh khi đó đã có phản ứng mạnh hiếm thấy khi đồng ý tham gia các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm hạn chế nguồn cung xăng dầu cho Triều Tiên và yêu cầu khoảng 100.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc ở Trung Quốc trở về nước.
Nhưng 5 năm sau, tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên không thu hẹp, mà thậm chí còn mở rộng hơn.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đẩy nhanh tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa sau khi cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc năm 2019 mà không đạt được bất kỳ kết quả đáng chú ý nào.
Năm nay, ông đã đích thân giám sát các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và siêu vượt âm, đồng thời thúc đẩy luật mới cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu "tự động và ngay lập tức để tiêu diệt các thế lực thù địch", khi một nước khác tạo ra mối đe dọa cận kề với Triều Tiên.
Những sự kiện đó khiến phương Tây và giới quan sát ngày càng lo ngại khả năng Triều Tiên chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7. Tuần trước, cơ quan tình báo Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên có thể kích nổ đầu đạn hạt nhân từ ngày 16/10, thời điểm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 khai mạc, cho tới giữa tháng 11, khi bầu cử quốc hội giữa kỳ diễn ra ở Mỹ.
Một số nhà phân tích bày tỏ hoài nghi về nhận định Triều Tiên sẽ thử hạt nhân khi Trung Quốc tổ chức đại hội đảng.
"Nếu Triều Tiên thử hạt nhân vào thời điểm nhạy cảm như vậy, nó không khác gì đòn giáng trực diện nhắm vào Trung Quốc", Einar Tangen, nhà phân tích tại Bắc Kinh, cho hay.
Einar lưu ý rằng chỉ mới tuần trước, hai nước đã nối lại các chuyến tàu chở hàng qua biên giới sau 5 tháng đình chỉ vì Covid-19 bùng phát ở Triều Tiên. "Nếu muốn thử hạt nhân, họ sẽ thực hiện vào thời điểm Mỹ tổ chức bầu cử giữa kỳ, bởi Bình Nhưỡng lúc này quan tâm tới phản ứng của Washington hơn", ông nói thêm.
Hong Min, chuyên gia cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cũng nhận định dù mọi công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đã hoàn tất, Triều Tiên sẽ chờ cho đến khi đại hội đảng lần thứ 20 của Trung Quốc kết thúc.
Theo Hong, nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử khi đại hội đảng Trung Quốc diễn ra, họ sẽ khiến sự chú ý của dư luận quốc tế bị hướng khỏi sự kiện chính trị quan trọng này. Nó cũng gây nhiều khó xử cho Chủ tịch Tập Cận Bình, người dự kiến tiếp tục nhiệm kỳ ba tại đại hội.
"Triều Tiên phải tính tới việc vụ thử hạt nhân sẽ ảnh hưởng thế nào tới quan hệ song phương, đặc biệt là trước một sự kiện trọng đại như vậy với ông Tập", chuyên gia Hàn Quốc nói.
Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong của Hàn Quốc, cũng cho rằng vụ thử hạt nhân như vậy sẽ là "kịch bản tệ nhất" với Trung Quốc, bởi nó có thể tạo cớ cho Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai thêm Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ. Trung Quốc từ lâu đã lo ngại về khả năng giám sát của radar THAAD bố trí ở Hàn Quốc vào sâu trong lãnh thổ của mình.
"Trước đây, Trung Quốc từng ngừng đường ống dẫn dầu tới Triều Tiên với lý do sửa chữa sự cố để gây sức ép với Bình Nhưỡng. Hiện nay, Trung Quốc có một công cụ hiệu quả hơn là các chuyến tàu hàng qua biên giới", ông Cheong nói. "Không có nguồn lực từ các đoàn tàu như vậy, nhiều dự án lớn của Triều Tiên có thể bị đình trệ".
Theo Cheong, Trung Quốc không có đủ ảnh hưởng để ngăn chặn kế hoạch thử hạt nhân của Triều Tiên, nhưng họ có những đòn bẩy đủ mạnh để trì hoãn điều đó đến sau đại hội đảng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không quan tâm đến những lo ngại ở Trung Quốc, mà điều duy nhất ông hướng tới là đạt được các mục tiêu của mình.
Quan điểm này càng được củng cố khi Triều Tiên hôm 4/10 thực hiện vụ phóng tên lửa tầm xa nhất từ trước tới nay, bay qua không phận Nhật Bản. Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản là vào năm 2017, ngay trước thời điểm nước này thử hạt nhân.
Hôm 6/10, Triều Tiên tiếp tục phóng hai tên lửa tầm ngắn nhằm đáp trả các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
"Vụ phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản đã xóa tan kỳ vọng rằng Triều Tiên sẽ trì hoãn thử hạt nhân cho đến khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc", Ellen Kim, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở tại Mỹ, bình luận. "Triều Tiên dường như không quan tâm đến sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm nay, điều này một lần nữa cho thấy họ khó đoán như thế nào".
Sung-yoon Lee, giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, Mỹ, cho rằng Triều Tiên cũng có thể thử hạt nhân sớm hơn, vào khoảng ngày 10/10 nhân kỷ niệm thành lập đảng Lao động.
"Nếu Triều Tiên thực hiện vụ thử vào ngày này, Trung Quốc chắc chắn không hài lòng, nhưng họ sẽ bỏ qua. Họ có một sự kiện quan trọng hơn cần tổ chức", ông suy đoán, lưu ý rằng Bắc Kinh đã không có hành động quyết liệt nào với Bình Nhưỡng, dù Triều Tiên liên tục thử vũ khí trong năm nay.
Hồi tháng 5, Trung Quốc cùng với Nga đã phủ quyết nghị quyết do Mỹ bảo trợ về việc siết chặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, hiện không rõ Trung Quốc sẽ hành động ra sao trong trường hợp Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân mới.
Jaechun Kim, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sogang ở Seoul, cho hay Trung Quốc luôn lo ngại vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, dù vào thời điểm nào, cũng có thể "gây bất ổn tình hình an ninh ở Đông Bắc Á" và tạo cái cớ để Mỹ chuyển thêm nhiều khí tài quân sự chiến lược tới Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Trung Quốc đã khó xử với xung đột Nga - Ukraine. Họ không muốn một cơn đau đầu khác ở Đông Bắc Á, nhất là khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang leo thang vì vấn đề Đài Loan", giáo sư Jaechun Kim nói.
Vũ Hoàng (Theo Al Jazeera, KoreanTimes)