Triều Tiên ngày 24/3 phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên kể từ năm 2017, gây leo thang căng thẳng đáng kể với chính quyền Mỹ trong bối cảnh cả thế giới đang dồn mọi tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo thông báo sáng nay của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tên lửa được phóng là mẫu Hwasong-17, ICBM cực lớn lần đầu ra mắt hồi tháng 10/2020. Giới phân tích gọi nó là mẫu "tên lửa quái vật" uy lực nhất trong kho vũ khí chiến lược của Triều Tiên.
Lãnh đạo Kim Jong-un, người giám sát vụ phóng, tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường "khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân" của đất nước mình và chuẩn bị cho một "cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ, theo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên.
Theo giới chuyên gia, phóng ICBM Hwasong-17 là cách để Bình Nhưỡng thăm dò giới hạn của Washington bằng cách leo thang căng thẳng theo từng nấc. Kể từ tháng một, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa tầm ngắn hơn, nhằm tự nâng mình lên trong danh sách ưu tiên đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vốn đang phải tập trung vào ứng phó đại dịch và xung đột ở Ukraine.
Tên lửa Hwasong-17 được phóng lên độ cao hơn 6.248 km, cao hơn nhiều so với các cuộc thử nghiệm trước đây. Nếu được phóng theo quỹ đạo tối ưu, giới phân tích cho rằng Hwasong-17 có thể tấn công lục địa Mỹ một cách dễ dàng.
Việc Triều Tiên nối lại thử ICBM làm dấy lên lo ngại về khả năng lãnh đạo Kim Jong-un sẽ quay về với lập trường cũ, khi ông liên tục đe dọa phóng tên lửa đạn đạo vào "vòng lửa" xung quanh đảo Guam, nơi có các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Chương trình vũ khí của Triều Tiên vẫn là vấn đề hóc búa đối với 4 đời tổng thống Mỹ trước đây. Mỗi lãnh đạo Mỹ áp dụng các biện pháp khác nhau, cả trừng phạt lẫn khuyến khích, song không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Vụ thử mới nhất cho thấy bất chấp các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế, ông Kim vẫn kiên quyết sử dụng tên lửa đạn đạo làm đòn bẩy răn đe, thương lượng hoặc cả hai, theo Lee Byong-chul, chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul.
Trước thái độ sẵn sàng đối đầu của Triều Tiên, Tổng thống Biden giờ đây phải đối mặt với lựa chọn khó khăn: Cứng rắn và đối diện với nguy cơ rằng Triều Tiên sẽ đẩy bán đảo đến bờ vực chiến tranh, hoặc đối thoại với ông Kim và chấp nhận thực tế rằng các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ không đi đến đâu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, Mỹ khó có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên, khi mà các cường quốc như Nga và Trung Quốc đang mâu thuẫn gay gắt với nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và ba vụ thử ICBM vào năm 2017, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã gác lại những khác biệt để áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên quốc gia này, cấm tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc nhập khẩu bất kỳ mặt hàng xuất khẩu chính nào của Triều Tiên, như than, quặng sắt, hải sản hay hàng dệt may. Triều Tiên cũng bị cấm nhập khẩu quá 4 triệu thùng dầu thô cho mục đích dân sự mỗi năm.
Nhưng khi Nga đang trong thế đối đầu với Mỹ và các đồng minh vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Kim dường như cảm nhận được cơ hội hiếm có để tận dụng mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa các cường quốc có quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc và quyết định đẩy tình hình lên một nấc thang mới, bình luận viên Choe Sang-Hun từ báo NY Times nhận định.
"Triều Tiên thử ICBM trong khi xung đột đang căng thẳng ở Ukraine", Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, nói. "Quan hệ giữa Mỹ và Nga đã rơi xuống mức tồi tệ nhất từ trước tới nay. Sẽ không có chuyện Nga hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khi Mỹ muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới với Triều Tiên".
Trong một nghị quyết được thông qua vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố nếu Triều Tiên tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân hoặc ICBM, họ sẽ "hành động để hạn chế hơn nữa" việc xuất khẩu dầu mỏ sang nước này. Nhưng với tình hình căng thẳng toàn cầu hiện nay, Nga và Trung Quốc khó có khả năng ủng hộ Mỹ đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào.
"Mỹ và Hàn Quốc không thể làm gì nhiều để trừng phạt Triều Tiên", Park Won-gon, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha, cho hay. "Nếu Mỹ và Hàn Quốc mở rộng quy mô cuộc tập trận chung dự kiến diễn ra vào tháng tới, Triều Tiên sẽ coi đây là hành động thù địch và lấy đó làm cái cớ leo thang căng thẳng".
Theo các nhà phân tích, những vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây nằm trong tính toán của lãnh đạo Triều Tiên nhằm cho thấy rằng Bình Nhưỡng vẫn là một bên trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
"Triều Tiên không thể chịu bị phớt lờ và có thể đang cố gắng tận dụng mối bận tâm toàn cầu về cuộc chiến ở Ukraine để tạo ra sự đã rồi về trạng thái của họ với tư cách một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân", Leif-Eric Easley, phó giáo sư tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, bình luận.
Vũ Hoàng (Theo NY Times, CNN)