Tháng 1/2016, Charles Flores, tù nhân ở Texas, được chuyển đến chòi canh tử hình, nơi các tử tù chờ thi hành án. 17 năm trước, Charles bị kết tội giết người ở ngoại ô Dallas trong một vụ cướp. Tất cả kháng cáo của anh ta bị bác.
Không có bằng chứng vật chất nào được đưa ra để buộc tội, trừ nhân chứng duy nhất tuyên bố đã nhìn thấy anh ta tại hiện trường vụ án đã bị cảnh sát thẩm vấn bằng thuật thôi miên. Texas là một trong 17 tiểu bang cho phép làm chứng bằng thôi miên.
Thôi miên được sử dụng như một công cụ pháp y bởi các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Những người ủng hộ lập luận rằng nó cho phép nạn nhân và nhân chứng nhớ lại những sự kiện đau buồn một cách rõ ràng hơn bằng cách tách họ khỏi những cảm xúc làm mờ trí nhớ.
Phương pháp được đặc biệt trọng dụng trong vụ án năm 1976, khi tài xế bus và 26 học sinh tại California bị bắt cóc và chôn sống. Tài xế sau đó đã nhớ lại chính xác hầu hết biển số xe của những kẻ bắt cóc anh ta trong khi bị thôi miên.
Trong những thập kỷ gần đây, giá trị khoa học của thuật thôi miên pháp y đã bị giới chuyên gia nghi hoặc.
Sau khi đọc về trường hợp của Charles Flores, một chuyên gia thôi miên tên là Steven Lynn vào cuộc và nhận định, "Trí óc con người có thể có những hình ảnh rất sống động trong quá trình thôi miên, nhưng không có gì chắc chắn, những hình ảnh sống động này đã thực sự diễn ra".
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa thôi miên và trí nhớ rất đáng bàn cãi. Năm 1983, nghiên cứu tại Đại học Concordia ở Montreal phát hiện những người bị thôi miên có xu hướng dễ bị các nhà thôi miên cấy ghép những ký ức giả.
Nhưng thủ thuật này đã phổ biến cực thịnh ở Mỹ cuối những năm 1970. Ví dụ, cảnh sát Los Angeles đã tiến hành trung bình hơn 100 vụ thôi miên mỗi năm. Đến năm 1986, hơn 800 cảnh sát Texas đã được đào tạo về thôi miên.
Nhưng khi thuật thôi miên pháp y ngày càng phổ biến, những điểm yếu của nó càng lộ rõ. Trong trường hợp ở Minnesota năm 1980, một người bị thôi miên nhớ lại khi ăn pizza trong nhà hàng không phục vụ pizza, nhìn thấy hình xăm trên người không có hình xăm và bị đâm bằng kéo hoặc dao trong khi cơ thể chỉ bị đánh bằng vật tày.
Thái độ với thôi miên pháp y bắt đầu phân hoá mạnh mẽ. Năm 1981, New Jersey đã thông qua một bộ quy tắc 6 điều kiện để lời khai do thôi miên được chấp nhận.n Tòa án tối cao của California không chấp nhận lời khai từ thôi miên.
Năm 2004, trong một trong những vụ án "khoa học tạp nham" nổi tiếng nhất, Texas đã xử tử oan một người đàn ông về tội giết ba con dựa trên các thủ thuật khoa học thiếu uy tín. Điều này dẫn đến việc thành lập Ủy ban Khoa học Pháp y Texas, nơi kiểm tra "khoa học rác" đang được vận hành trong vụ án của Charles Flores.
Đây là Uỷ ban sẽ quyết định loại bằng chứng nào được phép đưa ra tại tòa. Những năm gần đây, họ đã xoá sổ kha khá các thủ thuật pháp y "rác", như việc dựa vào vết răng cắn để xác định một nghi phạm. Thuật thôi miên pháp y có thể là tiếp theo.
Trong vụ án của Charles, nhân chứng là bà hàng xóm của nạn nhân. Sáng sớm ngày 29/1/1998, bà nghĩ rằng thấy hai người đàn ông da trắng bước ra từ một chiếc ôtô màu vàng đang đậu trước nhà nạn nhân, Betty. Vài giờ sau, chồng của Betty đi làm về thì thấy Betty bị bắn chết.
Ngày 27/5/2016, tức 6 ngày trước khi Charles bị xử tử, tòa án đã huỷ lịch thi hành án và xem xét lại vụ án. Hiện anh chờ đợi phiên phúc thẩm cuối cùng của tòa hình sự cấp cao bang Texas.
Việc cấm thôi miên pháp y không chỉ có ý nghĩa với Charles, nó mở ra những câu hỏi lớn hơn về cách lấy cung của giới điều tra nước Mỹ.
"Những ký ức không chính xác, vô tình hay cố ý, đều có thể dẫn đến khác biệt giữa mạng sống và cái chết", chuyên gia thôi miên Steven Lynn kết luận. "Trí nhớ có thể dễ dàng bị ô nhiễm, cũng giống hiện trường vụ án".
Hải Thư (Theo The Guardian, NYTimes)