Phát hiện trên đi ngược lại nhận định từ trước tới nay rằng sự trao đổi qua lại của sợi vải chỉ xảy ra khi hai bề mặt tiếp xúc trực tiếp, theo nghiên cứu được công bố ngày 14/8 trên tạp chí khoa học pháp y Forensic Science International.
Trong nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Northumbria (Anh) thực hiện, tình nguyện viên thứ nhất mặc áo nhuộm màu phản quang và đứng ở một góc thang máy. Sau đó, tình nguyện viên thứ hai mặc quần áo thông thường vào thang máy từ tầng khác và đứng ở góc đối diện, cách người thứ nhất khoảng hai mét. 10 phút sau, hai người rời thang máy, áo của họ được chụp lại dưới ánh đèn tia UV. Người thứ hai và người thứ ba cũng thực hiện điều tương tự.
Các nhà nghiên cứu thực hiện tổng cộng 48 lần thí nghiệm như trên. Trong lúc thí nghiệm diễn ra, người không tham gia nghiên cứu vẫn có thể ra vào thang máy.
Qua thống kê, các nhà nghiên cứu phát hiện có sự trao đổi sợi vải qua không khí trong hơn hai phần ba số lần thí nghiệm chính (giữa người thứ nhất và người thứ hai). Một trường hợp trong đó có số sợi vải phản quang được trao đổi lên tới 66 sợi. Ngoài ra, sự trao đổi sợi vải còn xảy ra trong 41% số lần thí nghiệm phụ (giữa người thứ hai và người thứ ba).
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng chất liệu quần áo của người cho và người nhận, sự di chuyển của người mặc, và việc đóng mở cửa thang máy cũng ảnh hưởng tới mức độ trao đổi sợi vải.
Từ lâu, chứng cứ sợi vải đã có vai trò quan trọng trong điều tra tội phạm vì có khả năng giúp liên kết nghi phạm tới hiện trường vụ án. Loại chứng cứ này từng được sử dụng trong nhiều vụ án nổi tiếng tại Anh, ví dụ như Gary Dobson và David Norri, hai kẻ sát hại thanh niên 19 tuổi Stephen Lawrence vào năm 1993, đã bị kết án nhờ một phần vào việc cảnh sát tìm thấy sợi vải đỏ từ áo nạn nhân trên áo của hai nghi phạm.
Tuy nhiên, phát hiện mới có thể tác động tới tương lai của điều tra hình sự, theo Telegraph. Tiến sĩ Kelly Sheridan, người đứng đầu đội nghiên cứu, cho rằng nhìn từ phương diện điều tra tội phạm, phát hiện mới cho thấy sợi vải có thể xuất hiện trên người nghi phạm qua trao đổi gián tiếp, thay vì do trực tiếp dính líu.
Ví dụ, khi có nạn nhân cáo buộc bị người đi cùng thang máy tấn công, nếu hàng trăm sợi vải trên quần áo nạn nhân xuất hiện trên người nghi phạm, khả năng trao đổi sợi vải qua không khí là rất nhỏ. Nhưng nếu trên người nghi phạm chỉ xuất hiện vài sợi vải của quần áo nạn nhân, khả năng trao đổi qua không khí là rất lớn.
Theo Nicola Finnerty, luật sư bào chữa với hơn 25 năm kinh nghiệm, phát hiện mới có thể ảnh hưởng tới việc công tố viên có truy tố nghi phạm hay không khi chứng cứ sợi vải có vai trò mấu chốt trong vụ án. Bên cạnh đó, Finnerty còn cho rằng điều này giúp mở rộng khả năng xác lập mối quan hệ thân cận giữa hai người mà không cần chứng cứ cho thấy có sự đụng chạm trực tiếp.
Quốc Đạt (Theo The Telegraph, The Conservation)