Ba tuần trước, đợt bùng phát Covid-19 mùa hè ở Mỹ, do chủng Delta lây lan nhanh và tiêm chủng đình trệ, đã chạm đỉnh với trung bình gần 176.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Nhưng hiện tại, số ca nhiễm mới trung bình đã giảm hơn 50%, xuống mức hơn 99.600 mỗi ngày. Số ca nhập viện đã giảm 20% và số ca tử vong giảm 13% trong vòng 14 ngày qua. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính ở Mỹ cũng giảm xuống dưới 6,5%, từ mức hơn 10% hồi cuối tháng 8.
"Cá nhân tôi cho rằng đây là đợt bùng phát lớn cuối cùng", Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nói đầu tuần này.
Mặc dù virus có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhiều chuyên gia tin Covid-19 sẽ trở thành bệnh thông thường như cúm, mối đe dọa ít nguy hiểm hơn mà con người có thể sống chung. Những người lạc quan như Gottlieb tin rằng tình hình dịch trong mùa đông năm nay ở Mỹ sẽ tốt hơn năm ngoái.
Hai điểm khác biệt giữa năm 2020 và 2021 có thể là cơ sở để lạc quan. Đầu tiên là tiêm chủng. Vào ngày 5/10/2020, chưa có bất kỳ người Mỹ nào được tiêm vaccine Covid-19. Nhưng chỉ sau một năm, 76% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều, trong đó 66% tiêm đủ mũi, theo NY Times.
Những người tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus và lây truyền cho người khác, nhưng nguy cơ thấp hơn rất nhiều người chưa tiêm chủng. Trẻ em chiếm phần lớn nhóm chưa tiêm chủng ở Mỹ, nhưng 28 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-11 có thể sớm đủ điều kiện tiêm chủng trước cuối tháng 11.
Dù nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine chống lại triệu chứng bệnh nhẹ và trung bình suy giảm theo thời gian, phần lớn nhóm người Mỹ dễ tổn thương đã được phép tiêm mũi tăng cường. Các nhóm còn lại có thể cũng sớm được tiếp cận chiến dịch tiêm liều bổ sung, nhờ Mỹ có nguồn cung vaccine dồi dào.
Tiêm chủng đang mang đến cho Mỹ một khởi đầu mới tốt hơn trong cuộc chiến với Covid-19 năm nay, theo Andrew Romano, biên tập viên của Yahoo News.
Điểm khác biệt thứ hai nằm ở chính biến chủng Delta. Biến chủng mới này có thể lây lan nhanh gần gấp đôi so với các biến chủng trước đây ở Mỹ và giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine, khiến nhiều người Mỹ nhiễm bệnh. Nhưng chính việc trở thành chủng trội của Delta đã "đánh bật" các chủng đáng lo ngại khác và mang đến khả năng miễn dịch tự nhiên sau nhiễm cho nhiều người Mỹ.
Tiêm chủng vẫn là con đường an toàn và hiệu quả hơn để đạt khả năng miễn dịch, nhưng nếu càng nhiều người chưa tiêm chủng nhiễm virus, nguy cơ bị tổn thương vào mùa đông càng giảm, theo Romano.
Một tín hiệu tích cực khác cho triển vọng đại dịch dần qua ở Mỹ là dù học sinh đã quay lại trường học một tháng, các học khu dường như không ghi nhận đợt gia tăng ca nhiễm mới.
Không chỉ ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng cao, xu hướng dịch giảm cũng được ghi nhận ở các bang miền nam, nơi nhiều người chưa được tiêm chủng đã thổi bùng đợt bùng phát mạnh vào mùa hè, cũng như các điểm nóng Covid-19 ở Alaska hay Tây Virginia.
"Đến một thời điểm, khi đủ số người Mỹ có miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm, đợt bùng phát của chủng Delta sẽ được kiểm soát và khiến những đợt dịch tiếp theo ít nguy hiểm hơn. Đại dịch sẽ kết thúc và Covid-19 trở thành bệnh thông thường", Romano nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia và quan chức y tế cộng đồng tỏ ra thận trọng hơn nhiều, nhận định đại dịch vẫn là một mối đe dọa lớn với nước Mỹ. Quốc gia này hiện có khoảng 68 triệu người chưa tiêm chủng dù đủ điều kiện, khiến Mỹ có thể tiếp tục bị đe dọa bởi các đợt bùng phát tiếp theo.
"Chúng ta chưa thoát khỏi nguy hiểm", Ali Mokdad, nhà dịch tễ học của Đại học Washinghton, từng làm việc tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho hay. "Virus này luôn biết tận dụng cơ hội và đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học".
Ông lo lắng việc người Mỹ gần đây bỏ đeo khẩu trang và đi du lịch nhiều hơn có thể thúc đẩy một đợt bùng phát mới vào tháng 12 và tháng 1/2022.
Vidya Mony, chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Trung tâm Y tế Santa Clara Valley ở San Joe, bang California, cho rằng Mỹ có thể đã dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch quá sớm.
"Dù chúng tôi đã biết về biến chủng Delta và những tác động nghiêm trọng từ những gì đã xảy ra ở Ấn Độ, Mỹ vẫn bắt đầu mở cửa từ tháng 6", Mony nói, cho hay nhiều người Mỹ đã từ bỏ các biện pháp phòng dịch. Chuyên gia này cho rằng từ những gì đã thấy trong quá khứ, "đó không phải là cách làm hay".
Edwin Michael, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Nam Florida, chia sẻ mối lo ngại lớn nhất của ông là virus có cơ hội đột biến khi hàng triệu người Mỹ vẫn chưa tiêm chủng.
"Làn sóng này đang dần tan", Michael nói. "Nhưng nếu khả năng miễn dịch suy yếu, chúng ta có thể đương đầu với một làn sóng khác ngay bây giờ".
Thanh Tâm (Theo NY Times, Yahoo News, Healthline)