Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla trong cuộc phỏng vấn ngày 26/9 tin rằng cuộc sống sẽ trở lại bình thường trong một năm tới, dù các biến chủng mới của nCoV có thể tiếp tục xuất hiện trên toàn cầu.
Trước đó, Stephane Bancel, giám đốc điều hành hãng dược Moderna, cũng dự đoán đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc "trong vòng một năm tới", nhờ sự phát triển của ngành sản xuất vaccine. "Nhìn vào năng lực sản xuất được tăng cường trong 6 tháng qua, tới giữa năm sau chúng ta sẽ có đủ liều vaccine để tiêm chủng cho mọi người trên Trái Đất", ông nói.
Những nhận định lạc quan được hai lãnh đạo hãng vaccine đưa ra khi thế giới đã trải qua gần hai năm đương đầu với Covid-19, với hơn 237 triệu người nhiễm và hơn 4,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu.
"Thật dũng cảm để đưa ra các dự đoán về Covid-19, khi nó vẫn tiếp tục tung đòn về phía chúng ta. Nhưng có lý do để lạc quan rằng giai đoạn 'đại dịch' của Covid-19 sẽ sớm kết thúc ở nhiều quốc gia, khi chúng ta dần chuyển sang trạng thái thích ứng với virus", Alex Cook, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ với VnExpress.
Vidya Mony, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Santa Clara Valley ở San Jose, California, Mỹ, cũng cho rằng "hơi quá lạc quan" để dự đoán đại dịch sẽ kết thúc trong vòng một năm tới, đồng thời nhấn mạnh bản chất của đại dịch đòi hỏi những giải pháp toàn cầu.
"Tôi nghĩ vào thời điểm này, rất khó để dự đoán bất kỳ điều gì", bà nói.
Khoảng 6,41 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, song chúng chủ yếu tập trung ở các nước phát triển. Trong nhóm nước giàu, nhiều nơi đã tiêm ít nhất một mũi cho 70-80%, thậm chí vượt 90% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở nhóm nước thu nhập thấp chỉ là 2,4%, theo Our World in Data.
Sự chênh lệch này có thể là một trong những thách thức đối với cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu. Mony nhận định nếu toàn thế giới không được phủ vaccine đồng đều, Covid-19 có thể tiếp tục lây lan và xuất hiện các biến chủng mới.
"Toàn cầu có thể kiểm soát Covid-19 nhanh tới mức nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có khoảng cách tiêm chủng giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển. Trong khi nhiều nước thu nhập thấp chật vật tìm nguồn cung vaccine, một số quốc gia giàu có lại triển khai tiêm tăng cường", Hannah Sworn, nhà phân tích cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, chia sẻ.
Sworn cảnh báo đại dịch có thể kéo dài nếu các biến thể mới của nCoV tiếp tục xuất hiện ở các nước đang phát triển có tỷ lệ tiêm chủng thấp và lan rộng ra toàn thế giới. Bà cho rằng kịch bản này có thể xảy ra nếu các nước giàu có xu hướng tích trữ vaccine và tập trung tiêm tăng cường.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 5/10 cũng cho rằng thế giới chưa thoát khỏi nguy hiểm trong cuộc chiến với Covid-19, "dù nhiều người đang hành xử như thể nó đã hoàn toàn kết thúc".
"Cơ hội xóa sổ hoàn toàn virus này ở cấp độ toàn cầu đã bị bỏ lỡ từ lâu", bà nói. "Nó bị bỏ lỡ bởi chúng ta đã không tấn công loại virus này một cách mạnh mẽ nhất có thể ở cấp độ toàn cầu".
Dù không mấy lạc quan vào kịch bản đại dịch kết thúc trong một năm tới như nhận định của các CEO hãng vaccine, nhiều chuyên gia nhận định Covid-19 rồi sẽ trở thành bệnh thông thường như cúm mùa, khi tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia dần tăng lên.
"Virus sẽ tồn tại cùng chúng ta. Nhưng với mức độ miễn dịch cao trong dân số nhờ tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên sau nhiễm, nhu cầu về các biện pháp hạn chế có thể sẽ thấp hơn", phó giáo sư Cook nói.
Các chuyên gia đồng thuận rằng tiêm chủng là chìa khóa để nhân loại đối phó đại dịch, đồng thời tin rằng gần như mọi người sẽ phải tiêm vaccine hoặc bị nhiễm, hoặc cả hai, trước khi đại dịch chấm dứt. Cuộc đua giữa các làn sóng lây nhiễm và cuộc chiến tiêm chủng toàn cầu sẽ khó có thể kết thúc trong thời gian ngắn.
Nhà phân tích Sworn cho rằng việc phát triển vaccine "thế hệ hai", nhắm vào các biến chủng mới của nCoV, sẽ là một trong những yếu tố có thể tác động đến tương lai đại dịch.
"Có rất nhiều loại vaccine thế hệ thứ hai được phát triển ở cả phương Tây và châu Á, nơi các nước như Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang thử nghiệm vaccine mới. Nếu chúng có thể bảo vệ con người trước tất cả biến chủng, triển vọng kiểm soát Covid-19 sẽ cao hơn", bà nói.
Thanh Tâm