Tại cuộc họp ngày 30/5, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đánh giá, việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành ở các Bộ vừa qua khá tích cực. Song có nơi việc cắt giảm mới nằm ở “rà soát, đề xuất bỏ”.
“Việc công bố như vậy chưa rõ ràng, mới ở trên giấy”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá. Ngoài ra, tại một số Bộ, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết chưa được đề cập trong phương án đơn giản hoá mà đã phát sinh thêm nhiều điều kiện khác.
Ông Dũng minh chứng bằng ví dụ quy định tại Nghị định 27 ngày 1/3/2018 của Bộ Thông tin & Truyền thông về quản lý cung cấp sử dụng Internet, thông tin trên mạng, trong đó đơn giản hoá 11 điều kiện kinh doanh, nhưng lại phát sinh 115 điều kiện kinh doanh bổ sung.
“Yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông giải trình rõ việc phát sinh điều kiện kinh doanh gây khó doanh nghiệp như vậy”, ông đặt vấn đề với đại diện Bộ Thông tin tham dự cuộc họp.
Giải trình ý kiến của Tổ trưởng Tổ công tác, ông Võ Thanh Lâm - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, thực hiện thông báo của Thủ tướng về rà soát, nâng cấp các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh đưa lên thành nghị định, Bộ đã rà soát, ban hành Nghị định 27. Toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong Nghị định 27 đều là các điều kiện quy định tại 4 thông tư của Bộ đã ban hành, sau đó đã được rà soát theo thông báo của Thủ tướng. "Đây không phải Bộ đưa ra các điều kiện kinh doanh mới”, ông Lâm khẳng định.
Nói thêm sau đó, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho hay, Nghị định 27 nâng cấp toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong thông tư, cắt được 11 điều kiện và còn 115 điều kiện kinh doanh.
“Theo số liệu Cục theo dõi thì Bộ Thông tin & Truyền thông hiện có 244 điều kiện kinh doanh. Tới chiều ngày hôm qua, chúng tôi chưa nhận được báo cáo của Bộ sẽ cắt giảm bao nhiêu. Nếu như cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh thì Bộ phải cắt giảm tối thiếu là 122 điều kiện”, ông Ngô Hải Phan nói.
Đáp lại, Vụ trưởng Võ Thanh Lâm đính chính, theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông là 272 điều kiện kinh doanh, không phải 244. Các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 27 chắc chắn không phải là bổ sung thêm.
“Có thể là bên Cục thống kê theo từng nội dung cụ thể, còn Bộ thì tính từng điều kiện trong các điều khoản, trong một khoản có thể có hai điều kiện, các anh ấy sẽ tách làm đôi hoặc Bộ tách làm đôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát”, ông Lâm cho hay, đồng thời khẳng định, các điều kiện quy định tại Nghị định 27 không phải là "bổ sung thêm".
Trước những con số thông kê vênh nhau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi về tính xác thực, bởi văn bản của Bộ báo cáo 44, bây giờ là 272. Còn theo báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính lại là 244 điều kiện kinh doanh. “Không biết cộng kiểu gì. Như thế này là chính tự mình tạo cho người ta nghi ngờ”, Bộ trưởng nói.
Để rõ hơn, ông Dũng yêu cầu mời đại diện Viện Nghiên cứu & Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rà soát, tổng hợp và tư vấn cho Tổ tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, qua rà soát Nghị định số 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27 thay thế Nghị định 72 thì “Bộ Thông tin & Truyền thông không phải cắt bỏ 11 điều kiện kinh doanh mà chỉ là sửa 11 điều kiện này. Chúng tôi cộng lại, có 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung trong Nghị định 27”.
Bà Thảo cũng thông tin, 51 điều kiện kinh doanh được công bố khi Tổ công tác kiểm tra tại Bộ Thông tin & Truyền thông vào cuối tháng 11/2017. “Tại buổi đó nói 51 điều kiện, nhưng đến nay, chúng tôi chưa nhận được bản rà soát cũng như phương án sửa đổi. Vì thế trong báo cáo, chúng tôi nói rõ là chưa có thông tin về việc rà soát cũng như sửa đổi này”, bà Thảo nói.
Trước các số liệu khác nhau này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bình luận: “Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Bộ Thông tin có tới 4 số liệu. Tóm lại, đến nay bộ này là đơn vị duy nhất chưa rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, chỉ cộng cơ học...”.
Phản hồi lại, Vụ trưởng Võ Thanh Lâm nói, “chắc bên CIEM chưa đọc các nội dung của 4 thông tư chúng tôi vừa nêu. Rà lại, các bạn sẽ thấy ngay là cái nào là cắt, sửa, giảm. Bộ đã làm việc với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, rà soát trong 2 năm nên chắc chắn không nhầm”.
Không đồng tình, bà Nguyễn Minh Thảo cắt ngang “nếu điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư thì từ năm 2016 đã không còn hiệu lực”. Theo giải trình của ông Võ Thanh Lâm thì Bộ này đã rà soát các thông tư, trình từ tháng 6/2016 nhưng trong quá trình làm bị chậm nên đến tháng 3/2018 Nghị định 27 mới được ban hành.
Kết luận, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, điều kiện kinh doanh cắt giảm phải được điều chỉnh bằng Nghị định chứ không phải cắt chỗ này nhưng lách ở văn bản khác, gây khó và trói buộc doanh nghiệp. “Điều kiện kinh doanh chỉ được nằm trong luật, Nghị định, chứ không được nằm ở Thông tư, văn bản dưới luật khác”, ông Dũng nói.
Số liệu của Tổ công tác, hiện mới có 9 bộ có tỷ lệ cắt giảm trên 50% là Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Giáo dục & Đào tạo, Lao động, Thương binh & Xã hội, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Xây dựng, Y tế. Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước chưa đạt 50% nhưng do các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý mang tính đặc thù, việc đơn giản hóa, cắt giảm phải bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước. Riêng Bộ Thông tin & Truyền thông đến nay chưa đề xuất phương án cắt giảm.
Đến ngày 31/10/2018, các Bộ phải trình ban hành Nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhưng đến nay, ngoài Bộ Công Thương, mới có Bộ Xây dựng có dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Hầu hết các Bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án. Ông Dũng cũng giục các Bộ phải chốt phương án cắt giảm xong trước ngày 30/7, nhằm tháo gỡ và tạo điều kiện cho tăng trưởng những tháng cuối năm.
Nguyễn Hoài