"Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Bộ trong một năm qua nên sẽ không có chuyện cắt đi lại mọc ra, khó có chuyện Bộ mâu thuẫn với chính mình", Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh khẳng định tại buổi tọa đàm về cắt giảm điều kiện kinh doanh do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức sáng 22/11.
Theo ông Khánh, cắt giảm là quan trọng, nhưng cần tuân theo quy trình, không phải làm để lấy danh tiếng. Các điều kiện kinh doanh liên quan đến 16 ngành nên nếu cắt sẽ sửa ít nhất 16 nghị định. Việc sửa này cũng có thể mất hàng năm nên Bộ Công Thương đề xuất sử dụng một nghị định để sửa nhiều nghị định cùng lúc. Dự thảo sửa đổi đã được gửi sang Bộ Tư pháp và Bộ Công Thương cố gắng trình Chính phủ trước ngày 30/11.
![thu-truong-cong-thuong-cam-ket-khong-tai-moc-giay-phep-con](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2017/11/22/hoidam-3106-1511343359.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bddGwSjCQeiPU3YK46HRgA)
Thứ trưởng Khánh chia sẻ tại buổi tọa đàm sáng 22/11. Ảnh: VPG
Với quan điểm muốn nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, ông Khánh cho rằng, trong nền kinh tế phát triển, cùng với Internet, nhiều hình thức kinh doanh sáng tạo, càng nhiều người gia nhập thị trường càng tốt.
Lấy dẫn chứng trong lĩnh vực xăng dầu, theo ông, đây là thị trường tương đối đặc biệt, đầu vào cho nhiều ngành sản xuất. Nhà nước duy trì hệ thống nhập khẩu, phân phối hết sức chặt chẽ nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu có thể đưa thêm các doanh nghiệp khác vào sẽ tăng tính cạnh tranh và cải thiện giá cả cho người tiêu dùng.
"Việc đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thể hiện tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bộ Công Thương sẽ không cấp giấy phép kinh doanh lúc đầu, chỉ ban hành hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn. Theo đó, người dân, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó để thực hiện".
Ông Khánh nhấn mạnh tư duy chuyển sang hậu kiểm bản chất là vì doanh nghiệp. Ông cho rằng, sẽ không có chuyện cán bộ của Bộ Công Thương suốt ngày đi khắp 63 tỉnh, thành để kiểm soát. Tuy nhiên, Bộ vẫn sẽ đồng hành cùng địa phương.
"Doanh nghiệp bước chân vào kinh doanh là dám chứng minh đủ năng lực. Bộ trao lại quyền tự quyết cho người dân và doanh nghiệp, nếu đủ điều kiện đáp ứng thì bước chân vào kinh doanh. Vì vậy, vai trò của các địa phương từ nay trở đi rất lớn", ông nói.
Tại buổi toạ đàm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong đơn giản hoá các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Theo ông, những vấn đề này nhiều năm trước chưa xử lý được và chưa cơ quan nào chủ động cắt giảm.
"Quy mô, mức độ, số lượng cắt giảm lớn và rải đều trong các ngành của Bộ quản lý thể hiện tính quyết liệt, hệ thống. Điều này tạo ra bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, không để ai bị tụt lại phía sau", ông Cung nhận định.
Tuy nhiên, Viện trưởng này nói cần phải thay đổi tư duy và cách quản lý để việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh phát huy hiệu quả. Ông lấy ví dụ ngành Giao thông Vận tải giai đoạn 2000 - 2003, bỏ tương đối nhiều điều kiện kinh doanh nhưng nay đã mọc lại còn nhiều hơn.
"Nếu cứ đặt ra yêu cầu tiền kiểm thì không thể hạn chế được điều kiện kinh doanh, vì xuất hiện hình thức kinh doanh mới là nghĩ ngay đến cách quản lý. Khi bỏ đi các điều kiện này mà không có phương thức quản lý mới thì làm thế nào. Một vài sự việc xảy ra, dư luận lên án, đặt câu hỏi cơ quan quản lý ở đâu, nên bộ ngành lại phục hồi. Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy, cách thức quản lý, dù không dễ", ông Cung nhận định.
Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng để giảm khó khăn cho doanh nghiệp cần thay đổi nhiều thứ. "Công chức cần coi doanh nghiệp là đối tác của mình hơn là đối tượng quản lý. Như vậy, mọi việc xảy ra giải quyết sẽ rất dễ, trên cơ sở quan hệ đối tác cùng có lợi cùng phát triển. Tuy nhiên, điều này không dễ và cần có thời gian", ông nói.
Anh Tú