Trước nguy cơ đổ sập của hòn Trống Mái (vịnh Hạ Long, Quảng Ninh), các nhà nghiên cứu đề xuất dùng các giải pháp kỹ thuật như: neo đá để bảo vệ những khối trượt, bơm xi măng chuyên dụng vào khe nứt nhằm giảm thiểu tốc độ ăn mòn trong các khe nứt, dùng tường bê tông chịu lực để gia cố vách có nguy cơ đổ lở, phun bê tông trộn sợi nhựa kỹ thuật nhằm hạn chế tốc độ ăn mòn chân đảo.
Lo ngại phương án này sẽ làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên của hòn Trống Mái, độc giả Hoang Anh Loc chia sẻ: "Có bàn tay con người can thiệp vào rồi thì liệu có còn đúng với danh hiệu mà vịnh Hạ Long đã nhận? Những gì làm nên tên tuổi của vịnh Hạ Long là do thiên nhiên ban tặng, chứ không phải con bàn tay con người tạo ra. Nếu đã can thiệp vào thì có khác gì để nó đổ xong xây lên cái khác? Liệu rồi du khách có ai còn muốn xem khối bê tông, xi măng mà con người tạo ra? Rồi đến điểm khác trong Vịnh Hạ Long bị thời gian tác động, chúng ta lại tiếp tục can thiệp, biến Hạ Long còn lại toàn bê tông, xi măng hay sao? Hậu quả khi đó sẽ vô cùng lớn.
Đá vôi mà nằm giữa biển thì bảo vệ bằng cách nào? Trên thế giới cũng có rất nhiều thắng cảnh tự nhiên được UNESCO công nhận bị hủy hoại theo thời gian. Cái người ta yêu mến là tự nhiên chứ không phải một sản phẩm do con người can thiệp. Vả lại, hòn Trống Mái này cũng không có nhiều ý nghĩa gì về mặt lịch sử hoặc địa lý, nên không cần thiết phải tốn kém để can thiệp".
Đồng quan điểm, bạn đọc Bao BQ phân tích: "Năm 2017, vòm đá Azure, cũng là một di sản của thiên nhiên được UNESCO công nhận, bị sập do yếu tố tự nhiên. Vịnh Hạ Long không chỉ có mỗi hòn Trống Mái, mà hầu hết các núi đá vôi không có đất cát bao quanh đều bị xói và xâm thực ở chân núi theo thời gian. Không lẽ chúng ta phủ xi măng, lắp kè neo hết hay làm gì để thiên nhiên không tiếp tục xâm thực?
Rồi cứ cho là không bị xâm thực thì lúc đó nó còn là thiên nhiên không hay chỉ như một bức tượng do con người tạo ra? Hạ Long hấp dẫn du lịch vì nó là sản phẩm của tự nhiên chứ không phải công trình do con người xây dựng. Trước đó, hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn cũng bị đổ, nhưng khi dựng lại, nó thật sự không có nghĩa lý gì vì chỉ là một món hàng giả. Tự nhiên tạo ra Hạ Long như thế nào thì tốt nhất cứ để nó như vậy".
Nhấn mạnh việc can thiệp quá sâu sẽ có thể phản tác dụng, độc giả Le Ha Thanh nhận định: "Cá nhân tôi phản đối việc gia cố hòn Trống Mái bằng giải pháp nhân tạo. Cứ để thuận theo tự nhiên. Sự sụp đổ do bào mòn tự nhiên được chứng kiến ở khắp nơi. Bào mòn một tảng đá, một hòn đảo diễn ra trong nhiều thế kỷ, thậm chỉ cả triệu năm.
Chứng kiến một tảng đá bị bào mòn do yếu tố tự nhiên (sóng biển, phong hóa), rồi đổ ụp xuống là một sự kiện rất hiếm có, cần có sự chuẩn bị để ghi nhận. Một ví dụ điển hình đã xảy ra trong thế kỳ này là sự sụp đổ ở thắng cảnh The Apostles, Port Campbell, Victoria, Australia.
Việc cố giữ bằng giải pháp nhân tạo là lãng phí, không cần thiết. Cái cần làm là đánh giá tác động môi trường đến từ hoạt động do con người tạo ra. Từ đó có những cảnh báo an toàn, bảo vệ môi trường thiết thực, phù hợp cho người dân, chứ không phải chằng, néo, chống giữ hòn Trống Mái".
>> Vịnh Hạ Long có 200 bãi tắm nhưng chỉ một bãi được cấp phép
Trong khi đó, với góc nhìn trái chiều, bạn đọc Mạnh Hà lại ủng hộ các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ hòn Trống Mái: "Hòn Trống Mái là một trong những điểm nhấn của vịnh Hạ Long, mà du khách trong nước cũng như quốc tế mỗi khi đến với di sản thiên nhiên thế giới này đều muốn chụp hình lưu niệm. Do đó, cần có giải pháp kịp thời để bảo tồn.
Nếu không làm ngay, những chuyện đau lòng như những địa danh, di tích mang đậm dấu ấn vùng miền, những danh thắng nổi tiếng của Việt Nam sẽ lại tái diễn, như: sự biến mất của hòn Phụ Tử (Kiên Giang), sự sụp đổ và đắp vội bằng xi măng Nàng Tô Thị (Lạng Sơn)... Hiện nay, còn hòn Vọng Phu núi Nhồi (Thanh Hóa), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cũng đang bị khai thác đá nham nhở... Chính quyền các ngành cần vào cuộc ngay để có giải pháp bảo tồn những di tích, danh thắng nổi tiếng".
Cho rằng việc gia cố hòn Trống Mái là nhiệm vụ cấp bách, độc giả Quy Long Bui nêu quan điểm: "Hòn Trống Mai là nét đẹp thiên nhiên về tình vợ chồng mà chỉ có ở Việt Nam. Đó là một biểu tượng đáng quý mà thiên nhiên trao tặng cho Hạ Long. Vậy, cần có biện pháp bảo vệ lâu bền. Chúng ta có thể xin UNESCO hỗ trợ chuyên gia, xin cấp vốn đầu tư bảo vệ di sản này. Không nên để nó thuận tự nhiên, tự sụp đổ, sẽ rất lãng phí, mất đi môt danh lam thắng cảnh đặc biệt ở vịnh Hạ Long. Tôi tin các chuyên gia kĩ thuật có thừa phương án để bảo vệ danh thắng này mà không làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có".
Đồng quan điểm, bạn đọc Doan Viet Anh bình luận: "Với tỉnh Quảng Ninh và vịnh Hạ Long, hòn Trống Mái chính là biểu tượng du lịch, được in lên rất nhiều các ấn phẩm quảng bá về du lịch địa phương. Đấy là về mặt tinh thần, còn về mặt kinh tế, hòn Trống Mái mang tính biểu tượng, nên góp phần thu hút rất nhiều du khách đi tham quan vịnh Hạ Long, mang lại một nguồn thu khổng lồ cho địa phương. Vậy nên, bất cứ giá nào cũng phải giữ cho hòn Trống Mái không sập đổ".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.