Nguyễn Thị Minh Vương, 27 tuổi, quê huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bốn năm trước, cô gái miền xuôi ngược lên thôn 2, xã Phước Thành, cách trung tâm huyện Phước Sơn 50 km, để mở quán bán hàng.
Vương lấy chồng, dựng căn nhà gỗ rộng 70 m2, lợp mái tôn, khá chắc chắn. Cuộc sống không hạnh phúc, vợ chồng ly hôn khi con trai mới 1,5 tuổi. Vương nấu xôi bán cùng hàng tạp hóa, kiếm khoảng 100.000 đồng mỗi ngày.
Trưa 28/10, bão Molave đổ bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi, mưa rất to. Nhà Vương nằm dưới chân núi, cách con suối nhỏ khoảng 10 m nên nước mấp mé trước ngõ. Người mẹ trẻ cho con ngủ trên võng, một mình thu dọn đồ lên cao với suy nghĩ mưa chỉ ngập tới sân, vì từ trước đến nay chưa lần nào nước vào nhà.
Đến khoảng 15h, nghe tiếng hô của cán bộ xã "Bà con ơi! Chạy, chạy... lũ quét", Vương vội bồng con chạy lên núi giữa cơn mưa như trút, không kịp lấy mũ nón. Đứng ở trên cao, Vương nhìn rõ ngôi nhà bị lũ tàn phá. "Lũ đi đến đâu kéo nhà sập đến đó, nhà em sau hai phút đã bị giật sập và trôi theo dòng nước đục ngầu", Vương kể, mắt ngấn nước.
Ngoài nhà Vương, trận lũ quét cuốn trôi 46 ngôi nhà khác ở thôn 2. Khu vực này là trung tâm xã Phước Thành, chủ yếu là người miền xuôi đến buôn bán lương thực, thực phẩm cho người dân bản địa và doanh nghiệp khai thác vàng. Họ dựng nhà hai bên đường, men theo con dốc lên núi, kéo dài khoảng 700 m.
Vương được chính quyền bố trí đến Trạm Y tế xã Phước Thành tá túc cùng các hộ dân chung cảnh ngộ. Chín ngày qua, mẹ con Vương sống nhờ vào nguồn lương thực của hàng xóm và tiếp tế của xã. Thấy hai mẹ con trắng tay, hàng xóm cho mấy bộ áo quần, chăn màn đắp nhưng không đủ ấm.
Vương muốn đưa con về quê nhà huyện Quế Sơn, nhưng đường sá đang bị sạt lở, xã Phước Thành cô lập. "Bốn năm rời quê lập nghiệp, giờ em không còn một xu dính túi", Vương nói, ôm con khóc. Cô quay quắt nhớ những buổi sáng thức dậy từ 4h nấu xôi, khi mặt trời lên khỏi núi, nồi xôi chín nóng hổi, chia thành gói nhỏ bán cho học sinh đến trường và người dân lót bụng đi làm.
Bà Nguyễn Thị Lệ, 54 tuổi, quê huyện Đại Lộc, Quảng Nam, cũng trắng tay sau lũ quét. Gần 30 năm trước, vợ chồng bà rời quê đến thôn 2, xã Phước Thành, làm lò bánh tráng mì Quảng, nấu rượu nuôi lợn mưu sinh. Họ dựng căn nhà từ số tiền tích góp trong thời gian dài. Chiều 28/10, lũ quét tràn về, vợ chồng bà tháo chạy, tài sản duy nhất là bộ quần áo đang mặc trên người.
Ngồi trên khu đất vốn là ngôi nhà cũ, bà Huệ nói trong nước mắt: "Trắng tay hết rồi, nhà cửa, tài sản không còn thứ gì. Lũ quét thậm chí không để lại nền, móng ngôi nhà. Vợ chồng tôi nếu chậm khoảng 5 phút chắc cũng bị trôi mất xác, giờ không biết ở đâu mà tìm".
Bà Lệ nhớ lò bánh tráng sợi mì Quảng mà thường ngày vợ chồng thức dậy từ sớm nhóm lửa. Họ làm được vài chục kg rồi chở đến các quán bán. "Không biết đến lúc nào tôi mới quay trở lại cuộc sống như trước. Tiền không còn, dụng cụ làm nghề mất hết", bà nói, mong muốn được nhà nước, mạnh thường quân hỗ trợ làm nhà, cho ít vốn mở lại lò tráng bánh kiếm kế sinh nhai.
Tương tự, bà Hồ Thị Kíp, 55 tuổi, ở thôn 1, xã Phước Thành, bị lũ cuốn trôi nhà. Mấy ngày qua, bà tá túc ở nhà em trai, sống bằng nguồn lương thực tiếp tế.
Chân bị tật, bà Kíp sống đơn thân trong ngôi nhà được nhà nước hỗ trợ xây 10 năm trước. Bà nhận trông coi mấy đứa trẻ trong làng, do cha mẹ chúng lên nương rẫy sản xuất. Đổi lại, người dân trả cho bà bằng vài lon gạo, mắm muối. "Giờ nhà mất, không còn chỗ trông trẻ, tôi biết lấy gì ăn", bà Kíp nói.
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch xã Phước Thành, cho biết trận lũ quét cuốn trôi 47 nhà, làm 46 nhà khác bị vùi lấp, hư hỏng, may mắn không thiệt hại về người. Chín ngày qua, những hộ mất nhà được bố trí ở ghép với người thân và các công sở trên địa bàn. "Nguồn lương thực từ nhà nước và các tổ chức từ thiện hỗ trợ được người dân băng rừng, vượt núi cõng về. Đến nay, gạo, mắm, muối... đủ ăn trên 10 ngày cho 1.900 người", ông nói.
Phụ trách công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Phước Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, nói tỉnh đang nghiên cứu dựng nhà lắp ghép tạm thời cho dân. Sau khi giao thông thuận lợi, chính quyền sẽ xây nhà cố định rồi chuyển người dân đến ở. Sở Giao thông Vận tải tỉnh đang dùng phương tiện cơ giới thông tuyến đến Phước Thành, hiện còn cách xã 6 km.
Trước đó chiều 28/10, ảnh hưởng của bão Molave và đới gió đông trên cao, Quảng Nam mưa rất to. Ngoài xã Phước Thành bị lũ quét và cô lập, tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, núi lở vùi lấp 11 người, đến nay đã tìm thấy 8 thi thể, 3 người còn mất tích. Cũng tại xã này, hai bộ dân bị sạt lở đất vùi lấp, đã tìm được một người, một người mất tích.
Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, một vạt núi lở xuống, vùi lấp 55 người ở nóc Ông Đề, khiến 9 người chết, 13 người mất tích, 33 người bị thương.