Trả lời:
Sau giai đoạn nhiễm trùng hay căng thẳng do bệnh thì cơ thể có phản ứng viêm, ít nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động, có thể gây rối loạn giấc ngủ như khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
Nhiều người mất ngủ hay có thói quen ngủ bù ban ngày, điều này lại càng gây mất ngủ ban đêm, tạo thành vòng lẩn quẩn. Để khắc phục tình trạng này, ban ngày có thể tranh thủ chợp mắt buổi trưa hoặc có nhiều thời gian thì ngủ đủ chu kỳ 1,5 giờ, để dành giấc ngủ sâu vào ban đêm.
Buổi tối, cần thực hiện các hoạt động hỗ trợ giấc ngủ hoặc vệ sinh giấc ngủ như lặp lại thời gian biểu thức ngủ đều đặn. Có những cách "vệ sinh giấc ngủ", như trước khi ngủ khoảng 30 phút đến một giờ nên thực hiện một số hoạt động thông báo cho não biết "tôi chuẩn bị ngủ rồi" như không xem tivi, không sử dụng thiết bị điện tử, tắm nước ấm cho cơ thể thoải mái, mặc quần áo ngủ rộng rãi...
Dành 20-30 phút ghi chép những điều tích cực trong ngày, những điều biết ơn... để có cảm xúc dễ chịu trước khi ngủ. Lập kế hoạch cho ngày mai, chẳng hạn ghi lại 3-5 mục tiêu cần làm, tránh bước lên giường còn suy nghĩ ngày mai sẽ làm gì. Bạn cũng có thể những loại sách nhẹ nhàng, giúp tâm hồn thoải mái trước khi ngủ hoặc tập một vài động tác thể dục nhẹ trên giường giúp căng giãn cơ. Khi đặt lưng xuống ngủ, nên thả lỏng toàn bộ cơ thể, hít sâu thở chậm, tâm trí nằm ở hơi thở cũng sẽ giúp giảm căng thẳng.
Bác sĩ Giang Ngọc Thụy Vy
Trưởng Khoa Tâm lý y học, Bệnh viện Tâm thần TP HCM