Vladimir Rogov, quan chức chính quyền do Nga bổ nhiệm ở tỉnh Zaporizhzhia, hồi tháng 10/2022 cho biết lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã sử dụng khoảng 30 xuồng đổ bộ xuất phát từ phía nam thành phố cùng tên để vượt sông Dnieper, tìm cách tái chiếm nhà máy điện hạt nhân bên kia bờ.
Ông Rogov nói rằng đặc nhiệm Ukraine tìm cách đổ bộ lên bờ sông sau đợt pháo kích lớn và tấn công lực lượng Nga đồn trú tại nhà máy Zaporizhzhia, nhưng bị đẩy lùi sau trận giao tranh kéo dài nhiều giờ.
Tờ Times của Anh cuối tuần trước phỏng vấn loạt sĩ quan đặc nhiệm và tình báo Ukraine, hé lộ chi tiết về chiến dịch tái chiếm bất thành nhằm vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia nửa năm trước.
Lực lượng Nga kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia ngay trong giai đoạn đầu chiến dịch. Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhiều lần kêu gọi Liên Hợp Quốc gây áp lực để Nga rút quân khỏi nhà máy nhưng không thành công, nên họ quyết định tự hành động vào giữa tháng 10/2022.
Đêm 18/10/2022, các thành viên một nhóm đặc nhiệm Ukraine lên xuồng tuần tra dài 12 m, vào vị trí vận hành ba khẩu súng máy và một súng phóng lựu tự động Mark 19. Họ nằm trong số gần 600 lính đặc nhiệm tinh nhuệ đang chờ sẵn dọc bờ bắc sông Dnieper, sẵn sàng triển khai trên hơn 30 xuồng vũ trang nhằm vượt khúc sông rộng 5 km, với nhiệm vụ là đẩy lực lượng Nga khỏi nhà máy Zaporizhzhia và tái chiếm cơ sở này.
Nhiều binh sĩ Ukraine tỏ ra hào hứng trước trận đánh, cho rằng đây sẽ là nhiệm vụ để đời mà họ có thể kể lại cho con cháu sau này. Lực lượng tấn công được huy động từ các đơn vị thiện chiến nhất của tình báo quân đội Ukraine, cùng các đơn vị đặc nhiệm như Shaman và Kraken, cùng Quân đoàn Quốc tế.
"Cấp trên quyết định chỉ sử dụng bộ binh thực hiện chiến dịch, do pháo binh đối phương sẽ không dám bắn phá khu vực sát nhà máy hạt nhân", một sĩ quan nói. Các khẩu đội lựu pháo và pháo phản lực HIMARS khai hỏa mở đầu trận đánh, nhằm vào hàng loạt vị trí cố thủ của đối phương, trong khi một số xuồng vũ trang được triển khai để tìm điểm yếu trong phòng tuyến Nga.
Tuy nhiên, ngay khi chiến dịch mở màn, không ai nghĩ rằng họ sẽ đối mặt với hỏa lực dữ dội từ lực lượng Nga đóng quân quanh nhà máy Zaporizhzhia.
"Quân đội Nga xây dựng phòng tuyến cực kỳ kiên cố, họ cài mìn khắp nơi. Họ thậm chí còn huy động xe tăng và pháo binh bắn phá ngay trong lúc chúng tôi vượt sông", sĩ quan Ukraine kể.
Hỏa lực mạnh từ phía Nga buộc xuồng vũ trang Ukraine phải đổi hướng. "Chúng tôi có nhiều xuồng cao tốc và liên tục tìm cách tiếp cận bờ sông, tấn công vị trí đối phương. Nhưng họ nã pháo dữ dội không ngừng về phía chúng tôi", sĩ quan đặc nhiệm Ukraine nhớ lại.
Chỉ có một số phân đội đặc nhiệm Ukraine tiếp cận được bờ nam sông Dnieper khi trời sáng và bắt đầu trận giao tranh kéo dài hơn 3 tiếng với lính Nga ở ngoại ô thành phố Energodar nằm gần nhà máy Zaporizhzhia. Phần lớn lực lượng đổ bộ không thể đến gần bờ sông.
"Lực lượng lớn như vậy không thể xâm nhập phòng tuyến đối phương. Các phân đội nhỏ có thể tiến quân và giao chiến, nhưng không thể tiến xa hơn khi đối phương hiện diện khắp nơi", một sĩ quan Ukraine thừa nhận.
Lính đặc nhiệm Ukraine cố gắng dùng vũ khí chống tăng để bắn trả thiết giáp Nga trên bờ sông, nhưng gặp khó khăn vì xuồng cao tốc phải liên tục cơ động tránh đạn. Các xuồng cỡ lớn cũng tìm cách đánh thọc sườn thành phố Energodar, nhưng cuối cùng phải rút quân.
"Chỉ huy trận đánh đã cứu nhiều mạng sống trong đêm đó. Khi ông ấy nhận ra tình hình quá khó khăn và chúng tôi có thể chịu thương vong lớn, chỉ huy đã ra lệnh rút lui thay vì tấn công bằng mọi giá", lính đặc nhiệm Ukraine nói.
Quyết định mở chiến dịch nhằm vào nhà máy Zaporizhzhia cũng gây tranh cãi trong nội bộ giới lãnh đạo Ukraine, dù Kiev nhiều lần khẳng định Moskva phải rút lực lượng khỏi địa điểm này. "Thật nguy hiểm khi tiến hành hoạt động như vậy gần các cơ sở lưu trữ vật liệu hạt nhân. Mọi hư hại sẽ phát tán phóng xạ ra Ukraine và toàn thế giới", Petro Kotin, chủ tịch tập đoàn năng lượng nguyên tử Energoatom của Ukraine, cảnh báo.
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin được tiết lộ.
Kể từ khi lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và thành phố Energodar lân cận, nhiều cuộc pháo kích đã xảy ra quanh khu vực nhà máy, làm dấy lên lo ngại nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân tương tự thảm họa Chernobyl năm 1986. Nga và Ukraine cáo buộc lẫn nhau gây ra những vụ tấn công này.
Vũ Anh (Theo Times)