Tối 1/4, Trần Mạnh Tuấn cùng vợ dự show dịp 21 năm ngày giỗ của nhạc sĩ ở đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1). Bất ngờ vì sự xuất hiện không báo trước của Trần Mạnh Tuấn, Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - khóc, ôm chầm đàn em, sau đó dìu anh vào ngồi cạnh bà.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói bà xúc động bởi hơn cả một đồng nghiệp, Trần Mạnh Tuấn được xem như người thân của gia đình. Những năm trước, nghệ sĩ saxophone thường tham gia các show tưởng nhớ Trịnh Công Sơn với vai trò giám đốc âm nhạc. Năm nay, anh bỏ lỡ nhiều dự án nhạc Trịnh sau lần nguy kịch vì đột quỵ hồi tháng 8/2021. Trịnh Vĩnh Trinh mừng khi đàn em nỗ lực từng ngày để sớm lấy lại phong độ.
Bà nói: "Vợ chồng tôi theo dõi Tuấn từ những ngày mới cấp cứu, vỡ òa khi Tuấn qua cơn nguy kịch, sau đó sát cánh cùng Tuấn giai đoạn tập vật lý trị liệu sáu tháng qua".
Trịnh Vĩnh Trinh cho biết nhắc đến nhạc Trịnh, không thể thiếu những bản hòa tấu của Trần Mạnh Tuấn. Từ lâu, gia đình Trịnh Công Sơn - bao gồm cố nhạc sĩ - đều ngưỡng mộ tiếng kèn của anh. Bà cho biết: "Trước kia, nhạc Trịnh thường được biểu diễn qua các giọng hát là chủ yếu. Một số nghệ sĩ trong và ngoài nước cũng tìm tòi để biến nhạc anh Sơn thành những bản hòa tấu. Tuy nhiên, để có một nghệ sĩ độc tấu nhạc Trịnh với cá tính, tâm hồn Việt Nam, biết cập nhật kỹ thuật và xu hướng biểu diễn quốc tế, Trần Mạnh Tuấn là người đầu tiên. Tài hoa của Tuấn là khiến người nghe hiểu được cái hồn nhạc Trịnh qua giai điệu mà không cần đến ca từ".
Kiều Đàm Linh - vợ Trần Mạnh Tuấn cho biết - dù chưa phục hồi hoàn toàn, anh một mực muốn góp mặt trong đêm nhạc, cũng như khao khát trở lại sân khấu. Mỗi dịp bạn hữu đến thăm bệnh, Trần Mạnh Tuấn thường ngẫu hứng chơi vài đoạn nhạc. Khi thổi kèn, anh chủ yếu dùng bản năng, chơi theo cảm xúc vì các khớp ngón tay chưa cử động linh hoạt. Anh đang theo chương trình vật lý trị liệu tại Bệnh viện Quân y 175 TP HCM. Hiện, thể trạng nghệ sĩ ổn định, chỉ có đôi chân còn khá yếu, phải sử dụng xe lăn. Các bác sĩ dự tính vài tháng tới Trần Mạnh Tuấn có thể đi lại.
Trong đêm nhạc, gia đình cùng các nghệ sĩ ôn ký ức một thời về Trịnh Công Sơn. Khác các năm trước, chương trình không quy tụ nhiều tên tuổi thân thiết với gia đình cố nhạc sĩ, thay vào đó là các giọng ca trẻ.
Duyên Quỳnh mở đầu với Cho đời chút ơn, Mưa hồng trên nền bản phối âm hưởng acoustic. Avin Lu - diễn viên đóng Trịnh Công Sơn thời trẻ trong phim điện ảnh Em và Trịnh - trình bày Tuổi đá buồn, Nắng thủy tinh. Nhật Linh - đóng danh ca Thanh Thúy - hát Thương một người, sáng tác đầu tay của cố nhạc sĩ. Nakatani Akari - cô gái vào vai người tình Nhật Bản của Trịnh Công Sơn - thể hiện Diễm xưa bằng tiếng Nhật.
Trong dàn ca sĩ biểu diễn, Hiền Thục là gương mặt hiếm hoi từng trò chuyện cùng nhạc sĩ. Ca sĩ cho biết lúc 15-16 tuổi, cô lần đầu gặp Trịnh Công Sơn trong Hội quán nhạc sĩ - nơi ông sinh hoạt cùng nhiều tên tuổi như Thanh Tùng, Từ Huy... Khi cất giọng "Thưa chú", cô liền bị ông trêu: "Có bà con gì không mà gọi là chú?". Thấy cô lúng túng, nhạc sĩ tiếp lời: "Phải gọi bằng anh nghe chưa". Cô nói: "Từ đó, âm nhạc của anh Sơn luôn là một phần cuộc đời tôi". Hiền Thục hát lại Tuổi đời mênh mông và Em là hoa hồng nhỏ để ôn thuở ban đầu được diện kiến nhạc sĩ.
Ông Trung Trực - đại diện gia đình Trịnh Công Sơn - xúc động khi thấy hàng nghìn khán giả đứng chật đường sách để thưởng thức đêm nhạc. Ông cho biết mỗi năm, ngày càng đông người hâm mộ tìm đến các chương trình nhạc Trịnh, trong đó không ít bạn trẻ. Ông nói: "Chúng tôi nhận ra đã đến lúc, nhạc Trịnh cần có sự chuyển giao giữa các thế hệ, và mở lòng hơn với lối thể hiện của các ca sĩ trẻ, thậm chí là phá cách như rapper Hà Lê". Tối cùng ngày, sự kiện Đêm thao thức cùng Trịnh diễn ra bên mộ nhạc sĩ ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức từ 19h đến 5h sáng hôm sau, là dịp khán giả cùng đốt nến, cắm sen tưởng nhớ Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh Công Sơn vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương và ca ngợi hòa bình. Tác phẩm của ông được các ca sĩ nhiều thế hệ trình bày, nhưng phổ biến nhất là qua giọng hát Khánh Ly.
Mai Nhật