Trong nhiều chương trình kỷ niệm 20 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, Hà Lê xuất hiện cạnh Hồng Nhung, Quang Dũng, Thanh Lam, như một nhân vật tiêu biểu đại diện cho sức sống mới của nhạc Trịnh.
Diện vest cách điệu, mũ nồi hip-hop, Hà Lê đọc rap, luyến láy theo lối R&B nhiều bản nhạc Trịnh quen thuộc như Biển nhớ, Diễm xưa, Nhớ mùa thu Hà Nội. Anh như một gã "dân chơi" ngông nghênh, khuấy động mỗi đêm nhạc Trịnh vốn trầm lắng.
Hà Lê tận dụng thế mạnh của mình cùng tinh thần dám khác biệt để làm nhạc. Anh tiếp xúc với văn hóa hip-hop từ những năm 2000, khi là du học sinh ở Anh. Sau này, anh trở thành vũ công, rapper, biên đạo múa, gương mặt nổi bật của giới underground Việt. Đi hát khi đã 31 tuổi, Hà Lê ra nhiều sản phẩm hip-hop khi kết hợp nhà sản xuất Phúc Bồ, nhưng chừng ấy không đủ để đẩy tên tuổi anh. Hà Lê vẫn là cái tên xa lạ với đại đa số khán giả.
Trịnh Contemporary năm 2018 là "cú hích" trong sự nghiệp anh. Khi bắt tay vào dự án, Hà Lê nghĩ thế mạnh vũ đạo, tiết tấu và khả năng đọc rap sẽ giúp anh gây chú ý. Thế nhưng sự khác biệt không được đón nhận buổi đầu. Video Diễm xưa ra mắt tháng 11/2018 tạo nên làn sóng tranh cãi. Khán giả chia làm hai phe, nhiều người khen bản phối bắt tai trong khi số còn lại nhận xét phần âm nhạc không phù hợp, làm mất tinh thần của nhạc Trịnh, ca sĩ hát "như đấm vào tai".
Dưới bài viết về ca khúc trên VnExpress, tài khoản Heroxy bình luận: "Xin đừng biến tấu nhạc Trịnh, bạn đã làm mất đi cái hồn của Diễm xưa rồi! Nhạc Trịnh chỉ cần hát chân chất, mộc mạc như cô Khánh Ly chứ chẳng cần màu mè hoa lá". Khán giả Chung Nguyễn nêu ý kiến: "Hát không truyền cảm tí nào, kịch bản kém mỹ thuật, thiếu chất thơ của nhạc Trịnh".
Hà Lê đọc tất cả bình luận khen chê của khán giả nhưng không nản lòng, anh tin cá tính âm nhạc của mình có thể chinh phục đối tượng là các bạn trẻ. Sau Diễm xưa, anh ra thêm nhiều ca khúc nhạc Trịnh mới như Mưa hồng, Biển nhớ và album Ở trọ giữa năm 2020. Ca sĩ cũng tổ chức tour xuyên Việt cùng Màu Nước Band. Hà Lê cho thấy anh theo đuổi nhạc Trịnh dài hơi, với một êkíp bài bản chứ không đơn thuần ngẫu hứng làm mới một vài ca khúc.
Giới chuyên môn, khán giả dần thừa nhận nỗ lực của Hà Lê. Các bản phối của anh chưa tròn vẹn, có chỗ hay, chỗ dở nhưng đa số mang đến cảm giác tươi mới cho người nghe, đúng như nhạc sĩ Huy Tuấn nói: "Thật khó để tìm từ ngữ chuyên môn miêu tả về âm nhạc của Hà Lê nhưng tôi đánh giá cao sự mạo hiểm của cậu khi dấn thân vào địa hạt nhạc Trịnh". Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng nhạc Trịnh Công Sơn dành cho những người cùng thế hệ của ông, nhưng người trẻ có cách cảm nhận và đón nhận riêng, cần được tôn trọng. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh mong muốn ca sĩ thử nghiệm thêm nhiều cách hòa âm mới để tôn lên chất giọng đặc biệt của anh. Em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - bà Trịnh Vĩnh Trinh - thích các bản phối mới trong album, đặc biệt là ca khúc Ở trọ. Bà từng nói: "Nếu còn sống, anh Sơn chắc chắn thích ca khúc".
Đến nay, những tín đồ nhạc Trịnh vẫn tôn thờ lối hát mộc mạc, hòa âm đơn giản thay vì bản phối nhiều tầng lớp, cách hát ma mị của Hà Lê. Thế nhưng thế mạnh biểu diễn, khuấy động khán giả đã giúp Hà Lê dần chinh phục nhiều đối tượng. Trong các show nhạc Trịnh, Hà Lê như một làn gió mới. Trong đêm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội hồi tháng 6 năm ngoái, nhiều khán giả nhún nhảy khi anh đọc rap bài Biển nhớ, trong đó có những cụ ông, cụ bà gần 70 tuổi. Xuất hiện trong show nhạc jazz hồi tháng 10/2020, Hà Lê được hưởng ứng nồng nhiệt khi hát Ở trọ, Mưa hồng phong cách R&B. Khán giả TP HCM giơ cao đèn flash của điện thoại, liên tục vẫy theo tiếng hát của anh.
Trong khi nhiều người khen Hà Lê sáng tạo, anh chỉ nhận thành công của mình đến từ "cơ duyên" và may mắn. Bốn năm trước, ca sĩ từng làm mới nhạc Lam Phương, Trương Quý Hải nhưng không tạo tiếng vang. "Trong tương lai, tôi vẫn tìm kiếm những chất liệu để làm mới nhạc Trịnh. Tuy nhiên, tôi muốn đột phá, có con đường của riêng mình", Hà Lê nói.
Hà Thu