Từ đêm 15/4, Dubai hứng lượng mưa 254 mm, tương đương lượng mưa trung bình trong hai năm của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khiến phần lớn cơ sở hạ tầng của thành phố chìm trong biển nước.
Dubai là thành phố du lịch nổi tiếng, đón 14 triệu khách hàng năm. Tuy nhiên, trận mưa lớn đã xóa nhòa hình ảnh xa hoa, hiện đại của thành phố 3,5 triệu dân này. "Nếu Dubai là một thành phố Instagram, trận mưa đã rửa trôi lớp filter của nó", bình luận viên Sean Seddon của BBC ví von.
Trận mưa hình thành do tác động của 4 cụm bão lớn di chuyển qua bán đảo Arab và vịnh Oman. Jordache Ruffels, người Anh sống tại Dubai, cho hay thành phố trong ngày 16/4 "như trải qua tận thế".
Nhìn từ căn hộ, phóng tầm mắt ra bến du thuyền, Ruffels chứng kiến đồ đạc bị gió cuốn khỏi ban công. Những chiếc Rolls Royce bị bỏ lại trên đường.
"Tôi sống ở tầng cao, nhưng hầu như không thể nhìn thấy gì từ ban công. Giữa trưa mà bầu trời như thể nửa đêm vậy", anh nhớ lại.
Khí hậu Dubai và phần còn lại của UAE nóng và khô, mưa không thường xuyên. Người dân được cảnh báo về trận bão, nhưng cơ sở hạ tầng thành phố không được thiết kế để đối phó với trận mưa tồi tệ nhất từ năm 1949.
Nước mưa không kịp ngấm xuống đất hay thoát đi, nhanh chóng dâng lên làm ngập lụt nhiều khu vực ở thành phố, khiến giới chức phải điều động xe bồn bơm nước ứng cứu.
"Chúng tôi không thể bắt taxi. Có người phải ngủ lại ga tàu điện. Có người qua đêm tại sân bay", một cư dân Dubai chia sẻ về khó khăn đi lại.
Theo BBC, với lượng mưa ồ ạt trút xuống trong một ngày như vậy, rất chỉ thành phố hiện đại trên thế giới đủ sức đáp ứng hạ tầng về thoát lũ.
Các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố, chủ yếu là công trình trong nhà để tránh cái nóng thiêu đốt ngoài trời, đã thất thủ trước dòng nước lũ ồ ạt tràn vào.
Caroline Seubert, 29 tuổi, đến từ Anh, đang cùng chồng đến một trung tâm mua sắm ở Dubai thì trận mưa ập đến.
"Nước chảy qua trần nhà, làm ngập trung tâm thương mại. Chúng tôi được yêu cầu rời cơ sở này, nhưng hệ thống tàu điện tê liệt, taxi cũng dừng hoạt động", Seubert nói, cho biết hai vợ chồng phải ngủ qua đêm ở sảnh trung tâm thương mại.
Matt Weir, giáo viên người Anh sống ở Dubai 10 năm, cho biết người dân thành phố biết cơn bão đang đến, nhưng không lường được sức tàn phá của nó.
Đường phố và loạt cơ sở hạ tầng Dubai vẫn tê liệt vì nước lũ. Dù dự báo thời tiết cho thấy có nắng, trời trong xanh trong tuần tới, thành phố vẫn có nguy cơ tiếp tục hứng bão. Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Nahyan đã yêu cầu giới chức đánh giá thiệt hại trên toàn quốc.
Các trường học cũng phải đóng cửa. Nhân viên chính phủ được phép làm việc tại nhà đến hết tuần. Các công ty tư nhân cũng khuyến khích nhân viên không đến chỗ làm.
Đến ngày 18/4, các nhân viên ứng phó khẩn cấp vẫn phải miệt mài đi khơi thông cống thoát nước trên đường phố, trong khi giao thông gần như tê liệt. Một tuyến cao tốc chạy qua Dubai chỉ có thể lưu thông một làn xe mỗi chiều, trong khi tuyến đường chính nối Dubai với Abu Dhabi đã phải đóng cửa.
Nhiều phương tiện, kể cả xe buýt, gần như chìm trong nước. Tại các trạm xăng, dòng người xếp hàng dài để chờ mua nhiên liệu.
Một trong những gián đoạn tồi tệ nhất xảy ra tại Sân bay Quốc tế Dubai (DXB) có lưu lượng hành khách lớn thứ hai thế giới, dự kiến phục vụ gần 90 triệu người trong năm nay, nhiều hơn dân số Đức. Video cho thấy những phi cơ "giống những con tàu lớn rẽ sóng" khi được chuyển khỏi các khu vực ngập sâu.
Các nhân chứng cho biết sân bay rơi vào hỗn loạn, nhiều hành khách mắc kẹt trong nhà ga. Jo Reilly và hai con nhỏ đang trên đường về Anh từ Việt Nam, trung chuyển tại Dubai, là những người trong số này.
Sau hai tiếng rưỡi bay vòng tròn trên bầu trời vùng Vịnh, phi cơ chở ba mẹ con cuối cùng cũng hạ cánh xuống một sân bay khác ở Dubai, trước khi lên xe bus đến DXB theo lịch trình ban đầu.
"Chúng tôi bị chèn ép khi hàng trăm người tuyệt vọng chen lấn xô đẩy, tranh giành một chỗ ngồi trên xe bus", Reilly nhớ lại. "Lúc đến DXB, tình hình cũng không khá hơn, không đồ ăn, nước uống, không có gì. Thực sự rất tồi tệ".
Hãng bay thông báo không có phòng khách sạn, đề nghị ba mẹ con Reilly ngủ trên sàn ở góc khu vực làm thủ tục. "Họ bảo cứ ngủ tự nhiên như ở nhà tại góc đó", cô kể.
Jonathan Finchett, đến từ Anh, cũng mô tả cảnh tượng "như tận thế" ở DXB, nơi hành khách đến sân bay và phát hiện chuyến bay của họ bị hủy. Anh cho biết hàng trăm người nháo nhác tìm thông tin, trong khi sân bay không có nhân viên hỗ trợ. Nhiều gia đình phải lấy xe đẩy hành lý rào quanh chỗ ngủ ở sân bay, do cảm thấy không an toàn.
"Chúng tôi đã hỗ trợ, cung cấp tiện nghi cần thiết cho hành khách bị ảnh hưởng trong khả năng có thể, nhưng mất nhiều thời gian do mưa lớn", DXB cho biết trong một tuyên bố.
Đức Trung (Theo BBC)