"Mọi thứ diễn ra vô cùng nhanh chóng. Bạn đã cố gắng làm điều gì đó, nhưng vẫn quá muộn", một cư dân tại thị trấn Schuld thuộc bang Rhineland-Palatinate cho biết, sau khi sông Ahr tràn bờ, phá hủy những ngôi nhà khung gỗ và cuốn trôi tất cả những gì nằm trên dòng chảy.
Tính đến ngày 16/7, Đức ghi nhận hơn 100 người chết vì lũ lụt và khoảng 1.300 người được cho là mất tích. Các nhóm cứu hộ triển khai trực thăng đưa người dân khỏi những ngôi làng chìm trong lũ, với mực nước sông dâng cao đến mức chưa từng thấy trong vòng 500 năm, thậm chí 1.000 năm.
Đây là một thảm họa đã được lường trước. Các nghiên cứu vốn chỉ ra rằng những đợt mưa cực đoan như ở Đức đang xảy ra ngày càng thường xuyên, vì lý do đơn giản là bầu khí quyển ấm hơn, xuất phát từ hiệu ứng nhà kính, khiến hơi nước tích tụ nhiều hơn, dẫn đến những trận mưa với lượng nước lớn và cường độ mạnh hơn.
Nhà khí tượng học Đức Felix Dietsch hôm 13/7 cảnh báo trên Youtube rằng một số khu vực phía tây nam có thể hứng chịu lượng mưa không tưởng, lên tới 70 lít/m2 trong vòng vài giờ.
Cơ quan khí tượng của chính phủ Đức áp đặt mã cảnh báo màu tím, mức cực đoan nhất, cho vùng Eifel và Mosel. Nhiều cảnh báo cũng xuất hiện từ đầu tuần trên Twitter và những kênh truyền thông khác, đồng thời được chuyển tới giới chức các bang và địa phương, sở cứu hỏa và cảnh sát.
Giới chức Đức hôm 16/7 cho biết hệ thống cảnh báo của họ, bao gồm mạng lưới cảm biến giúp đo mực nước sông theo thời gian thực, vẫn hoạt động bình thường. Theo phát ngôn viên văn phòng chịu trách nhiệm giám sát và cảnh báo lũ lụt tại bang Rhineland-Palatinate, họ đã nhận được tất cả cảnh báo từ cơ quan khí tượng và chuyển đến các địa phương theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, diễn biến sau đó đặt ra nhiều thắc mắc. Michael Stoffels, cư dân làng Musch nằm ở nơi giao nhau giữa sông Ahr và Trierbach, cho biết anh không nhận được cảnh báo nào từ chính quyền, mà một hàng xóm đã gọi điện vào ngày 14/7 để thông báo nước đang dâng nhanh.
Stoffels vội vã trở về nhà từ chỗ làm gần đó để cất những gì có thể. Người đàn ông 32 tuổi cảm thấy may mắn vì nơi ở của anh nằm phía trên một kho chứa, nên mực nước cao khoảng 3,5 m không gây thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, đến tối 16/7, lũ quét đã khiến ngôi làng gồm 220 người bị mất điện nước và sóng điện thoại chỉ trong vòng chưa đến hai giờ.
Bờ sông trở thành một nơi hoang tàn, với những chiếc xe bị nghiền nát và gốc cây lớn ngổn ngang. Nhiều con phố rải sỏi ngập trong bùn và mảnh vỡ. Vài chiếc xe tải chở đồ nội thất hư hỏng và cành cây chầm chập đi qua những đường dây điện bị sập.
"Rất nhiều chiếc xe tốt đã bị phá hủy hoặc nghiền nát", Maria Vazquez, một cư dân làng Musch làm việc tại một xưởng sửa chữa ô tô, cho hay. "Thật đáng buồn, nhưng tôi hy vọng mọi người đều ổn".
Một số người tỏ ra nghi ngờ hệ thống cảnh báo lũ lụt của Đức. "Đáng lẽ đã không có quá nhiều người chết như vậy", Tiến sĩ Linda Speigh, nhà khí tượng thủy văn thuộc Đại học Reading ở Anh, nêu quan điểm. Theo bà, công tác liên lạc kém là một trong những nguyên nhân gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng.
Tuy nhiên, giới chức Đức giải thích rằng vấn đề nằm ở chỗ lượng mưa lớn kỷ lục đã đổ xuống quá nhanh chóng, gây tràn cả những dòng suối và con sông không thường được coi là mối đe dọa.
"Những con sông nhỏ đó chưa bao giờ trải qua bất kỳ tình huống nào như vậy. Không ai có thể chuẩn bị, vì chẳng thể ngờ chuyện lại như thế", phát ngôn viên Cơ quan Khí tượng Đức Uwe Kirsche giải thích, nói thêm rằng trận lũ lụt vừa qua có lẽ chưa từng xuất hiện trong vòng một thiên niên kỷ.
Medard Roth, thị trưởng của thị trấn Kordel thuộc bang Rhineland-Palatinate, cũng cho biết ông đã kích hoạt hệ thống ứng phó lũ lụt khẩn cấp ngay sau khi nhận được cảnh báo mực nước sông Kyll sắp chạm mức nguy hiểm. Tuy nhiên, nước dâng nhanh đến mức không thể ngăn chặn bằng những biện pháp thông thường.
"15h30 chiều 14/7, đội cứu hỏa thị trấn Kordel đã bắt đầu thiết lập các biện pháp đảm bảo an toàn. Nhưng đến 18h, mọi thứ đã chìm trong nước. Không ai có thể lường trước điều đó", Roth trả lời báo chí.
Dựa trên hệ thống cảnh báo lũ của Đức, quyết định hành động như thế nào phụ thuộc vào giới chức địa phương, bởi họ được cho là nắm rõ nhất về địa hình, cũng như những người hoặc tài sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng trong trường hợp nước sông tràn bờ.
Một số địa phương dường như đã ban hành cảnh báo kịp thời, như thành phố Wuppertal tọa lạc giữa một thung lũng nơi sông Wupper chảy qua. Một ủy ban xử lý khủng hoảng tại đây đã dùng mạng xã hội để kêu gọi người dân ở nhà. Ngay sau nửa đêm ngày 15/7, còi cảnh báo reo vang để thúc giục người dân di chuyển lên tầng cao hơn hoặc sơ tán, trong lúc nước dâng.
Martina Eckermann, phát ngôn viên của Wuppertal, cho biết thành phố chịu thiệt hại về tài sản nhưng không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên, nhiều nơi khác đã nhận cảnh báo quá muộn.
Tại huyện Ahrweiler thuộc bang Rhineland-Palatinate, giới chức đưa ra cảnh báo đầu tiên đến cư dân sống gần bờ sông khi mức nước đã gần chạm mức kỷ lục 3 m. Ba giờ sau, khi nước đã dâng cao hơn cả kỷ lục về lũ lụt trước đó, chính quyền mới ban bố tình trạng khẩn cấp.
Tại thời điểm đó, nhiều người đã kịp chạy đến nơi cao hơn, nhưng những cư dân không thể di chuyển đủ nhanh đã thiệt mạng, như 12 người khuyết tật trong một cơ sở chăm sóc ở thị trấn Sinzig.
"Cảnh báo đã được đưa ra. Nhưng câu hỏi là tại sao hoạt động sơ tán không được triển khai sớm hơn? Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ", phát ngôn viên Kirsche của Cơ quan Khí tượng Đức cho biết.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)