"Không còn từ nào để diễn tả cảnh tượng sau lũ. Đúng là thảm họa", Neugebaue, 40 tuổi, nói. "Tôi vào nhà hai lần hôm qua, cố nhặt nhạnh những thứ còn dùng được. Nhưng mở cửa ra, nước tràn tới ngực và tôi tự hỏi, tại sao mình lại làm điều này? Mọi thứ đều bị phá hủy hết rồi".
Trận lũ lớn hôm 15/7 gây thiệt hại nặng nề cho Rheinland-Palatinate và North Rhine-Westphalia, hai bang miền tây nước Đức. Ít nhất 108 người thiệt mạng, hơn 1.000 người mất liên lạc. Các quốc gia láng giềng với Đức cũng chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Bỉ xác nhận ít nhất 20 người chết, hơn 21.000 người sống trong hoàn cảnh mất điện. Nhiều khu vực tại Luxembourg và Hà Lan ngập lụt, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.
Neugebaue sống tại làng Erftstadt, cộng đồng nhỏ thuộc huyện Blessem, phía tây nước Đức cách thành phố Cologne khoảng 20 km về phía nam. 1.905 cư dân làng Erftstadt buộc phải sơ tán hôm 15/7 khi nước lũ từ sông Erft tràn bờ sau trận mưa kỷ lục.
Khu vực đồi núi quen thuộc trong làng nay biến thành địa hình hiểm trở, mỏ đá sỏi ở phía nam Blessem rộng 40 hecta và sâu 60 mét giờ đây ngập nước, mở rộng về phía thị trấn sau trận sạt lở, nuốt chửng nhiều ô tô, ba căn nhà gỗ và một phần diện tích lâu đài.
Giới chức địa phương đang tìm kiếm 15 người có thể vẫn mắc kẹt trong nhà.
"Chúng tôi nhận định có thể có người chết nhưng chưa chắc chắn", Herbet Reul, giám đốc sở nội vụ bang North-Rhine Westphalia, nói.
Áp suất thấp gây mưa lớn kỷ lục ở khu vực Rhein-Erft-Kreis tới 21h ngày 14/7, gây ngập đồng ruộng và nông trang. Những cánh đồng đầy cỏ khô và rau củ cách đây vài tuần còn héo rũ do hạn hán nhiều năm bỗng chốc đầy nước. Tầng hầm và nhà cửa ở tầng trệt trong khu vực nông trang cũng ngập nước.
"Ban đầu chúng tôi nghĩ phải sơ tán 200 con thú", Peter Zens, một nông dân điều hành trang trại thú cưng Gertrudenhof ở Hurth, khu vực nằm giữa Effstadt và Cologne, nói. "Nhưng chúng tôi dành 18 tiếng để bơm nước khỏi vườn thú suốt đêm. Cuối cùng, chúng tôi may mắn thoát chết".
Nhưng khi Zen cố bơm nước ở nông trại ra ngoài, thì nước sông suối trong khu vực bắt đầu dâng cao.
"Suối Rotbach ở đây thường khô cạn vào mùa hè", Zens nonis. "Giờ nó đầy nước, sủi bọt giống sông Rhine".
Khi con sông vỡ bờ ngày hôm sau, nhiều người Eftstadt vẫn bất ngờ.
"Chúng tôi liên tục đạp xe qua thị trấn, quan sát nước sông dâng ngày càng cao", Neugebauer nói. "Chúng tôi cố trì hoãn, nhưng khi thấy xe tải ở Luxemburger Strasse ngập nước, chúng tôi bắt đầu đóng gói đồ đạc lên xe, chở lũ trẻ tới nhà khác ở thị trấn bên cạnh".
Nước ầm ầm tràn vào Luxemburger Strasse, con đường chính nối Erftstadt với Cologne, mà không hề cảnh báo, cuốn trôi xe tải và ô tô. Một phần đường quốc lộ A1 ngoài thị trấn sập xuống lòng sông Erft.
Neugebauer rời đi trước khi chính quyền cảnh báo sơ tán. Giới chức cho hay nhiều người trong thị trấn không chú ý tới lệnh sơ tán. Cảnh sát phải dùng xuồng giải cứu 50 người mắc kẹt trong nhà.
Bão lũ không hề xa lạ ở Rhein-Erft-Kreis, khu vực rải rác mỏ lộ thiên từng là nơi khai thác than, sỏi và cát. Khi chủ mỏ đá Blessem xin mở rộng năm 2015, chính quyền địa phương chấp thuận với điều kiện họ phải xây dựng tường bao dài 1,2 km ngăn hồ chứa đầy nước đề phòng lũ lụt.
Nhưng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên thế giới đang xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, đi kèm hậu quả khó lường. Bức tường bảo vệ giữa hố khai thác sỏi và sông Erft không hiệu quả, khi nước sông dâng cao hơn, tràn qua đường sá trong thị trấn rồi ập xuống điểm trũng nhất.
Matthias Habel, một nhà địa lý học tại Bonn, người nghiên cứu các biện pháp chống lũ trong khu vực khi làm luận văn, cho hay hậu quả thảm khốc của lũ không có gì đáng ngạc nhiên với những người hiểu rõ địa lý khu vực.
"Nơi Erft đi qua Erftstadt không còn giống một con sông tự nhiên nữa mà giống một con kênh nhân tạo trải thẳng", Habel nói. "Nó khiến dòng chảy nhanh hơn nhiều so với chỗ khác, thiếu vùng trũng chống ngập tự nhiên khi có lũ".
Chiều 16/7, thị trấn lác đác bóng người. Chỉ còn vài binh sĩ đang canh gác khu vực. Cuối đường Frauentaler Strass, cách Erft khoảng 100 m, một tòa nhà ngói đỏ lơ lửng trong nước lũ.
Nước đầy dầu loang, mùi xăng bốc lên không khí. Bao cát chặn lũ không ngăn được dòng nước. Vệt nước đọng lại trên tường những tòa nhà xây bằng gạch cổ kính cho thấy nước dâng cao hơn một mét.
Người dân từ những ngôi làng lân cận tới xem xét tình hình.
"Thật là sốc", một đôi vợ chồng trẻ nói. "Ngày nào chúng tôi cũng lái xe qua đây và chưa từng thấy cảnh tượng nào kinh khủng như thế".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)