Ở tọa đàm do Hội nhà văn TP HCM tổ chức, hơn 20 tác giả tề tựu nói về tác phẩm và ký ức với Trần Hoài Dương, tưởng niệm 10 năm ngày ông qua đời (6/5/2011).
Văn chương của Trần Hoài Dương là "bài hoan ca tình người". Đọc Miền xanh thẳm - tác phẩm đoạt giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001, người hâm mộ xao xuyến trước quãng đời bình dị của cậu bé Thiện - sống nghèo đói, nhưng có tình bạn đẹp, luôn giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Với bối cảnh truyện diễn ra khi đất nước giành được hòa bình sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tác phẩm truyền sự lạc quan, niềm hy vọng đến lớp trẻ.

Nhà văn Trần Hoài Dương từng nói mục đích sáng tác của ông là nhằm "đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ". Ảnh: THD.
Trang viết của ông chất chứa kỷ niệm thơ ấu, là "miền xanh thẳm" để người lớn trở về thế giới yên bình. Tại buổi tọa đàm, nhà văn Kim Hài cho biết truyện ngắn Bé Rơm của Trần Hoài Dương gợi trong chị thời thơ ấu sống động, vốn tưởng chừng "hun hút trong những lo toan cuộc sống". Nhờ thế, bút lực sáng tác thiếu nhi của Kim Hài được khơi nguồn.
Nhà văn còn là bậc thầy viết về thiên nhiên. Qua Cây nhút nhát, ông liên tưởng loài cây như con người, biết xấu hổ, "co rúm mình lại" vì sợ con chim xanh biếc vừa bay đến. Trần Hoài Dương tả bông hồng đỏ thắm, "lấp loáng dưới ánh mặt trời buổi sớm, cánh hoa dập dờn trước gió khi ẩn khi hiện", tả cánh diều "no gió cũng nhún nhẩy vờn quanh đám mây", kể đàn chim "vờn bay như múa như lượn xung quanh một đám rước".
Trong Nắng phương Nam, Uyên và Phương háo hức mua một cành mai - để tặng Vân ở miền Bắc chút không khí Tết trong Nam. Câu chuyện hơn 20 dòng, nhưng thể hiện được tình cảm thân thiết của bọn trẻ. Với Chờ mong, nhân vật rung cảm với cảnh thiên nhiên trên đèo, nên mỗi tháng 10 đều đi Đà Lạt, để gặp lại vòm lá vàng kỳ ảo, với "những chiếc lá xẻ ba, xẻ năm như những ngôi sao rung rinh xao động mỗi khi có một làn gió nhẹ".
Theo nhà văn, "trẻ em cần học cách yêu thương, biết đến cái đẹp và cái thiện". Bằng cách viết tinh tế, ông lồng ghép bài học nhỏ vào truyện. Như bông hoa đẹp kính trọng chiếc lá "nhỏ nhoi bình thường", vì biết ơn chúng đã giúp cây phát triển tốt, đơm hoa tươi tốt. Ở trong Em bé và bông hồng, em nhỏ hối hận vì dối mẹ, tự ý ngắt hoa, khiến cánh hoa từng đỏ thắm nay héo úa, rơi lả tả.
Cây bút Trương Huỳnh Như Trân phát biểu cảm nghĩ khi đọc truyện của Trần Hoài Dương, tại tọa đàm ở TP HCM, hôm 6/5. Video: Quỳnh Quyên.
Trần Hoài Dương trong ký ức của các đồng nghiệp là một người dịu dàng, kiên nhẫn. Vào một ngày hè năm 2001, nhà văn Kim Hài được ông gửi tặng cuốn sách Miền xanh thẳm, với lời đề tặng: "Rất quý mến tặng chị Kim Hài cả một thời thơ ấu nhiều nỗi buồn nhưng cũng nhiều mơ mộng của tôi". Trong tọa đàm, nữ tác giả nhận định tâm hồn của cố nhà văn, trong cả nghề viết và cuộc sống, luôn đầy ắp sự lãng mạn.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn gọi Trần Hoài Dương là "một nhà văn trong sáng" tại tọa đàm của Hội Nhà văn TP HCM tổ chức. Ảnh: Quỳnh Quyên.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn gọi Trần Hoài Dương là "nhà văn trong sáng". Anh yêu quý Trần Hoài Dương vì sự tử tế. Khi làm biên tập viên báo Văn Nghệ, ông chạy xe "nữ hoàng màu đỏ" - Honda Cub, đến từng nhà từng cộng tác viên phát nhuận bút.
Cố tác giả từng nói bản thân "đến với văn chương thiếu nhi như một thứ đạo". Để học hỏi và lưu giữ, ông thường chép tay các tác phẩm văn học tiêu biểu của tác giả nước ngoài - như Pushkin, Paustovsky... Trần Hoài Dương từng chép tập truyện ngắn Đêm Tháp Mười (tác giả Lê Văn Thảo) trong ba đêm, để giới thiệu bạn đọc phía Bắc. Càng biết nhiều, ngòi bút lại càng tinh giản. Như ông đã nói: "Tôi chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang, bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em". Ông tâm niệm những yếu tố tạo nên một nhà văn chân chính: Không thỏa hiệp với cái ác, duy trì ngòi bút hướng thiện và tự nhắc nhở mình rằng không đề tài nào là nhỏ.
Nhà văn Trần Hoài Dương (tên khai sinh là Trần Bắc Quỳ), sinh ngày 8/11/1943 tại Hải Dương. Ông có hơn 20 tác phẩm, với năm tác phẩm là truyện dài. Ở tuổi đôi mươi, ông ra mắt tác phẩm đầu tay Em bé và bông hồng (NXB Kim Đồng, năm 1963). Sau đó, Trần Hoài Dương tích cực sáng tác với nhiều truyện tiêu biểu như Áng mây, Những ngôi sao trong mưa, Cô bé mảnh khảnh, Cuộc phiêu lưu của những con chữ.
Ông là nhà văn có truyện in trong sách giáo khoa chỉ đứng sau Tô Hoài. Nhờ vận dụng Tiếng Việt linh hoạt, nhà văn thường viết ngắn, nhưng truyền thông điệp hiệu quả, gây xúc cảm ở người đọc, Vì thế, truyện của Trần Hoài Dương thích hợp để giảng dạy trong bậc tiểu học. Năm nay, nhà xuất bản Kim Đồng dự định ra mắt bộ truyện Trần Hoài Dương có tranh minh họa, để giới thiệu thiếu nhi bậc mẫu giáo, tiểu học.
Xem thêm:
* Trần Hoài Dương giã biệt 'Những ô cửa xanh'
* 'Văn học thiếu nhi VN thừa bề rộng, thiếu chiều sâu'
Quỳnh Quyên