Thanh Vân
- Ông nghĩ gì về việc năm nay Hội nhà văn Việt Nam không xét giải cho tác phẩm văn học thiếu nhi?
![]() |
Nhà văn Trần Hoài Dương và các sinh viên ĐH KHXH&NV. (Tuổi Trẻ) |
- Việc một tác phẩm đã được ban sơ khảo của một hội đồng chấm giải bình chọn, nhưng Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam không xét giải là hoàn toàn bình thường thôi.
Từ 2001 trở về trước, giải văn học thiếu nhi hằng năm do chính Ban văn học thiếu nhi xét giải, Hội nhà văn Việt Nam công nhận. Nhưng từ sau 2001, Hội nhà văn Việt Nam đưa văn học thiếu nhi vào xét chung giải thưởng với văn học người lớn. Từ đó đến nay, theo như tôi nhớ, chỉ mới có tác phẩm Miền xanh thẳm của tôi và Miệt vườn xa lắm của nhà văn Dạ Ngân được trao giải thưởng của Hội nhà văn, và bộ Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh được tặng thưởng.
Theo tôi, xét chung như vậy cho thấy việc xét giải đã cải tiến hơn, bình đẳng và không nhân nhượng, phân biệt tác phẩm người lớn, thiếu nhi gì cả.
- Theo ông, tình hình phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Một thực tế đáng buồn hiện nay là ở Việt Nam, thậm chí trong nội bộ những người viết văn với nhau vẫn xem văn học cho thiếu nhi là loại 2, loại 3.
Năm nay, không có tác phẩm văn học thiếu nhi nào được giải của Hội nhà văn Việt Nam cũng phản ánh đúng thực chất phong trào sáng tác văn học thiếu nhi những năm gần đây. Đội ngũ sáng tác phát triển trên diện rộng, đông đảo. Tuy nhiên, những tác giả có cá tính, bản sắc riêng thì hiếm. Người viết trẻ lại không có ý định theo đuổi đến cùng con đường viết văn cho thiếu nhi. Lớp trẻ chưa "đột biến", lớp trung niên và lớp già như tôi thì đã gần hết vốn, mệt mỏi và khó bắt kịp đời sống hiện đại.
Ngày trước, Tô Hoài, Võ Quảng, Đoàn Giỏi dám sống chết với ngòi bút. Còn ngày nay đang thiếu những người như thế. Tôi còn nhớ cách đây dăm ba năm, xuất hiện một thế hệ người viết trẻ cho văn học thiếu nhi rất có triển vọng. Bẵng đi một thời gian, thấy họ không còn viết tiếp, vì ai cũng đã yên vị với công việc riêng, làm báo, làm văn phòng hay làm công việc gì đấy, không viết được nữa.
Phải thừa nhận là chúng ta có một nền văn học thiếu nhi, nhưng suốt mấy chục năm nay, nó vẫn còn mang nhiều tính mô phạm, giáo điều. Đúng, tốt đẹp, tính giáo dục cao nhưng lại thiếu những điều cơ bản: chất kỳ diệu, yếu tố mơ mộng, bay bổng, tưởng tượng phong phú... những thứ mà trẻ con rất cần. Văn học thiếu nhi của ta có đủ mọi thứ nhưng chỉ thiếu một thứ là viết chưa hay.
- Vậy, nếu có thêm những giải thưởng văn học thiếu nhi uy tín cũng là động lực thúc đẩy dòng văn học này đi lên. Ông nghĩ sao về ý kiến đó?
- Thú thực, tôi thấy văn học thiếu nhi nước mình chưa phát triển cũng là do chưa có người tài, thế thôi. Là người viết, anh không thể đổ lỗi do chưa được đánh giá đúng tầm nên anh chưa viết hay. Trách nhiệm chính vẫn thuộc về tâm huyết của nhà văn.
Còn nói đến chuyện giải thưởng này nọ thì tôi nhớ, ngày trước ở Liên Xô người ta còn có hẳn cả Hội nhà văn văn học thiếu nhi, hoàn toàn độc lập với Hội nhà văn quốc gia. Ngày nay, rất nhiều nước trên thế giới có những hệ thống giải thưởng uy tín trao tặng hằng năm cho các tác phẩm hay.
Một hay nhiều giải thưởng nữa cho văn học thiếu nhi Việt Nam là rất cần thiết. Nhưng giải thưởng thì phải ra giải thưởng, phải công tâm, khách quan, phải chọn ra được cây bút xứng đáng, tác phẩm hay, phải gây được sự chú ý trong dư luận xã hội, hút được độc giả thiếu nhi về phía mình. Chứ có thêm nhiều giải thưởng rồi mà vẫn èo uột, chìm lắng thì người viết cũng chẳng mong đợi gì nhiều. Lặng lẽ mà viết vì độc giả thì vẫn hơn.
Nói đến văn học thiếu nhi Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm lắm.
Thanh Vân thực hiện