Lê Thiếu Nhơn -
Thật sự, khi chạy đến ngôi nhà nhỏ của nhà văn Trần Hoài Dương và nhìn thấy ông nằm bất động trên giường, tôi vẫn không tin tác giả những trang viết tuyệt đẹp về thiếu nhi đã rời khỏi nhân gian. Khuôn mặt của ông vẫn bình thản như mọi khi gặp gỡ đồng nghiệp. Căn phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi nghỉ ngơi của ông nhiều sách vở nhưng ít ánh sáng. Không ít lần tôi chân thành đề nghị ông xếp bớt sách vở lại để không khí thoáng đãng hơn, ông chỉ cười nhẹ nhàng: “Mình chỉ thích sống giữa sách vở, còn hít thở thì ra ngoài hiên kia!”.
Nhà văn Trần Hoài Dương. Ảnh tư liệu |
Nhà văn Trần Hoài Dương rất yêu thiên nhiên, ngôi nhà dù diện tích khiêm tốn thế nào thì ông cũng chừa một khoảnh trống để trồng đủ loại cây xanh. Hình như vài năm gần đây, sự giao tiếp của ông với cây xanh gấp đôi số thời gian tiếp xúc với con người. Trần Hoài Dương chan hòa và thương yêu tất thảy đồng nghiệp, song ông không mấy thích giao du. Người không hiểu có thể nói rằng ông kiêu kỳ. Tuy nhiên, Trần Hoài Dương sống khép kín như một thói quen. Ông cứ lầm lũi trong những ý nghĩ của ông. Thỉnh thoảng ra phố, ông chạy chiếc cup màu đỏ chầm chậm sát vỉa hè và lặng lẽ quan sát từng người lướt qua. Có lẽ ánh mắt hiền lành sau đôi kính cận của ông chỉ nhằm tìm kiếm chút vẻ đẹp lương thiện còn sót lại giữa đô thị Sài Gòn. Đối với cây xanh, Trần Hoài Dương không nhìn chúng như sinh vật, mà ông nhìn chúng như bạn bè. Trần Hoài Dương đâu có tiền chơi loại kiểng đắt tiền, ông chỉ trồng vài giống hoa cỏ tầm thường, nhưng chăm bón bằng tất cả sự trân trọng. Vậy mà, ngoài hiên cây vẫn xanh, còn ông im lặng chìm vào cõi xa xôi!
Sự ra đi đột ngột của nhà văn Trần Hoài Dương khiến nhiều người sửng sốt. Những bà con hàng xóm không mấy người biết ông là nhà văn, chỉ thấy đấy là một cụ già đáng kính. Khi các đồng nghiệp nghe hung tin dần kéo đến, thì láng giềng cũng ghé qua. Tôi đứng giữa lao xao, nghe những tiếng thở dài: “Ông bác nho nhã hiền lành ấy mất rồi sao, tội nghiệp chưa!”. Trước đây, cũng trên đường Thích Quảng Đức này, nhà văn Trần Hoài Dương có một căn nhà lớn hơn, nhưng ông đã bán để lấy tiền cho người con trai duy nhất là nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh du học bên Anh. Cả căn nhà lớn ngày xưa và căn nhà nhỏ bây giờ, đều có điểm giống nhau về bóng mát cây xanh. Nhiều đất thì trồng nhiều cây, ít đất thì trồng ít cây, nhưng cây xanh luôn trở thành đặc điểm nhận dạng cho ngôi nhà của nhà văn Trần Hoài Dương trong phố xá xô bồ. Có lẽ, cảm nhận được điều ấy, Trần Lê Quỳnh viết tặng cha mình một ca khúc có tên gọi Những ô cửa xanh tha thiết: "Bầy chim trắng vẫn thường qua, theo những vụn bánh Cha thả trên sân. Từng chậu hoa như bạn thân, yên lắng cùng Cha bên mùa xuân. Từng trang sách Cha lật qua, đưa con chạm đến bao vương quốc lạ. Những câu chuyện theo con suốt đời, để những giấc mơ bất đầu từ những ô cửa xanh".
Phía trong ô cửa xanh, luôn hiện diện một trái tim nhân từ. Chỉ chọn duy nhất đối tượng thiếu nhi để sáng tác, Trần Hoài Dương mong mỏi vun đắp chân thiện mỹ cho người Việt hôm nay và ngày mai. Nói về sự nghiệp của Trần Hoài Dương, không thể không kể ba cuốn sách tiêu biểu, “Cỏ hoang” với cách lý giải nâng đỡ dành cho trẻ bụi đời, “Miền xanh thẳm” mang nhiều yếu tố tự sự, và “Nàng công chúa biển” viết theo bút pháp cổ tích. Tôi không thấy khoảng cách nào giữa trang văn và lối sống của ông. Trang văn của ông ân cần bao nhiêu thì lối sống của ông nghĩa tình bấy nhiêu. Có những lúc kinh tế của ông rất khó khăn, ông cũng không muốn nhờ vả ai. Đấy là một sự cực đoan đáng trân trọng của ông. Khi Trần Lê Quỳnh chưa thể tự trang trải ở London đắt đỏ, ông dành dụm từng đồng gửi cho con trai, còn mình thì ăn uống khá đạm bạc. Tôi có ý băn khoăn, ông ngập ngừng rồi phân trần: “Như thế này đã may rồi. Những ngày Trần Lê Quỳnh còn học phổ thông, lúc khốn đốn nhất, mình mỗi tháng hai lần phải đi bán máu để sống!”. Tôi không biết chuyện đó Trần Lê Quỳnh có biết không, nhưng khi nghe cách phân trần hồn hậu của ông, tôi đã xúc động đến cay xè sống mũi.
Một cơn nhồi máu cơ tim đã bắt Trần Hoài Dương rời xa “những ô cửa xanh” của ông, nhưng tôi tin nhiều tác phẩm của ông vẫn ở lại bồi đắp thêm rung động cho thiếu nhi Việt Nam nhiều thế hệ sau nữa. Chỉ tiếc nhà văn Trần Hoài Dương không còn cơ hội nhìn thấy cháu nội của ông lặng lẽ đọc những trang sách trong sáng và giàu lòng trắc ẩn của ông, để trưởng thành như thuở nào những trang sách ấy giúp con trai ông rung động: “Nghe âm vang giọng nói, hãy là dòng sông đi xa hơn nữa. Những giấc mơ tình yêu vỡ oà đôi khi rất nhanh. Hãy yêu cuộc sống như Cha hằng yêu. Những giờ gần con và những ô cửa xanh”.
Sài Gòn, ngày 10/5/2011