Ngày 16/1/1991, Tổng thống Mỹ George H. W. Bush phát động chiến dịch quân sự Bão táp Sa mạc nhằm đánh bật quân đội Iraq khỏi lãnh thổ Kuwait. Chỉ một ngày sau, một biên đội tiêm kích F-15 Mỹ đã lọt vào trận địa phục kích hết sức tinh vi của phòng không Iraq, nhưng vẫn thoát ra được và giành chiến thắng trước chiến đấu cơ đối phương.
Tháng 8/1990, Iraq đưa quân tấn công Kuwait nhằm sát nhập lãnh thổ nhiều dầu mỏ của nước này. Tổng thống Bush sau đó ra lệnh triển khai bộ binh, hải quân và không quân đến Tây Nam Á nhằm ổn định tình hình khu vực và thuyết phục Tổng thống Iraq Saddam Hussein rút quân.
Nhằm đối phó lực lượng phòng không và chiến đấu cơ đáng kể của Iraq, Không đoàn Tiêm kích Chiến thuật số 33 của Mỹ đã thực hiện chiến dịch Lá chắn Sa mạc từ cuối tháng 8, triển khai 24 tiêm kích hạng nặng F-15C đến Arab Saudi để làm quen với địa hình sa mạc, đồng thời huấn luyện chung với hải quân Mỹ và không quân Arab Saudi.
Đêm 17/1/1991, Mỹ phát động chiến dịch Bão táp Sa mạc với đòn đánh phủ đầu nhằm chiếm lĩnh không phận, mở ra hành lang cho đợt tấn công thứ hai.
Vào ngày thứ hai của chiến dịch, đại úy thủy quân lục chiến Charles Magill chỉ huy phi đội 8 tiêm kích F-15C hộ tống các biên đội cường kích tấn công mục tiêu mặt đất. Họ nhận được tín hiệu liên lạc từ máy bay E-3 Sentry, cảnh báo có hai tiêm kích MiG-29 Iraq gần khu vực mục tiêu.
Magill huy động ba chiếc F-15C đi cùng để đối phó mối đe dọa này, trong khi 4 tiêm kích còn lại tiếp tục yểm trợ lực lượng cường kích.
Biên đội Mỹ chiếm ưu thế rõ ràng về số lượng và chất lượng, bởi họ có 4 tiêm kích hạng nặng F-15C vượt trội so với hai chiếc MiG-29 hạng nhẹ của đối phương. Tuy nhiên, biên đội F-15 đã bị dụ vào cái bẫy mà Iraq giăng sẵn. Ngay khi họ đuổi theo tiêm kích MiG-29 đối phương, nhiều tổ hợp phòng không đột ngột khai hỏa, với hàng loạt tên lửa khóa mục tiêu vào chiến đấu cơ Mỹ.
Các phi công Mỹ phải thả thùng nhiên liệu phụ và cơ động vòng tránh. Họ phóng mồi bẫy, liên tục ngoặt gấp và tránh được toàn bộ đạn phòng không Iraq. Bầu trời đột nhiên trống trải khi các tổ hợp tên lửa Iraq ngừng bắn, chỉ còn hai chiếc MiG-29 vẫn duy trì vị trí và biên đội F-15C quyết định tiếp tục truy đuổi.
Trong lúc khoảng cách dần rút ngắn, hai tiêm kích MiG-29 bất ngờ ngoặt gấp về phía biên đội F-15C. Các phi công Mỹ tin rằng họ đang chuẩn bị cho một trận không chiến sống còn.
Trên thực tế, chiến đấu cơ Iraq lúc đó vừa phát hiện một tiêm kích F-14 Mỹ bay lẻ và đang chiếm vị trí công kích, không chú ý đến biên đội F-15 ở phía sau. Phát hiện thời cơ thuận lợi, đại úy không quân Rhory Draeger phóng quả tên lửa đầu tiên. Biên đội trưởng Magill phóng một quả đạn, sau đó bắn bồi một tên lửa nữa do nghi ngờ quả đạn đầu tiên gặp trục trặc.
Cả ba tên lửa đều đánh trúng mục tiêu, phá hủy hoàn toàn hai tiêm kích MiG-29 Iraq và đánh dấu chiến thắng đầu tiên của tiêm kích Mỹ trước không quân Iraq. Biên đội F-15C của Magill trở lại hội quân và tiếp tục nhiệm vụ hộ tống lực lượng cường kích.
Duy Sơn (Theo WATM)