Rạng sáng ngày 17/1/1991, ngày đầu tiên của chiến dịch Bão táp Sa mạc, hải quân Mỹ phải hứng chịu tổn thất đầu tiên khi tiêm kích F/A-18C Hornet của thiếu tá Scott Speicher bị bắn rơi cách Baghdad 160 km. Trong nhiều năm, không ai biết rõ số phận của phi công này, cũng như tình huống khiến anh ta bị bắn rơi.
Phải tới tháng 8/2009, quan chức hải quân Mỹ mới xác nhận đã tìm thấy hài cốt của Speicher tại Iraq. Tài liệu giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho thấy chiếc F/A-18C đã bị bắn hạ bởi một tiêm kích đánh chặn MiG-25 của không quân Iraq. Mỹ đã có thể mất tới 3 máy bay trong trận đánh rạng sáng 17/1, nếu phi công Iraq không chấp hành mệnh lệnh từ cấp trên, theo War is Boring.
Vào lúc 2h30 sáng hôm đó, ba phi đoàn máy bay của hải quân Mỹ bắt đầu xâm nhập không phận Iraq. Mục tiêu của họ là căn cứ Tammuz, nơi đóng quân của các phi đội MiG-25, MiG-29 và nhiều loại máy bay cường kích của không quân Iraq.
Phi đoàn đầu tiên gồm 10 tiêm kích F/A-18C Hornet của phi đội VFA-81 và VFA-83. Họ bay theo đội hình dàn ngang với giãn cách từ 1,6 đến 8 km. Nhiệm vụ của nhóm này là chế áp lực lượng phòng không Iraq, dọn đường cho các biên đội cường kích và ném bom sau đó.
Nhóm tiếp theo là 8 chiếc A-6E Intruder, có nhiệm vụ ném bom xuống căn cứ Tammuz. 3 máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowlers và 4 chiếc F-14A Tomcat nhận trách nhiệm yểm trợ nhóm Hornet và Intruder. Do không được trang bị hệ thống nhận diện điện tử hiện đại, biên đội F-14A bay phía sau để hộ tống các máy bay ném bom.
Do bay ở độ cao lớn, các máy bay Mỹ dễ dàng bị lực lượng phòng không Iraq phát hiện. Một chiếc MiG-25PD thuộc Phi đội 96 của Iraq do trung úy Zuhair Dawoud điều khiển đang trực chiến tại căn cứ Qadessiya được lệnh xuất kích đánh chặn. Máy bay nhanh chóng cất cánh về hướng nam, bật tăng lực và tăng tốc lên 1.730 km/h, hướng thẳng đến đội hình tiêm kích F/A-18C Mỹ. Trung tá Michael Anderson, chỉ huy phi đội tiêm kích F/A-18C, phát hiện chiếc MiG-25 ngay sau khi nó cất cánh.
Hệ thống cảnh báo radar trên MiG-25 cho Dawoud biết những chiếc F/A-18C đang tìm cách khóa mục tiêu vào anh ta. Tuy nhiên, do chưa được lệnh khai hỏa nên Dawoud bắt đầu bay vòng quanh đội hình Hornet ở khoảng cách 72 km.
Dù đã nhận định chiếc MiG-25 là quân địch, Anderson vẫn ra lệnh không khai hỏa và chờ xác nhận từ máy bay cảnh báo sớm E-3A Sentry. Nhưng máy bay Iraq lại ở ngoài rìa theo dõi của Sentry và không bật radar, khiến tổ lái trên chiếc E-3A không có đủ thông tin nhận dạng.
Anderson bắt đầu bám theo Dawoud trong vòng lượn, cho tới khi họ bay ngang nhau và máy bay Iraq tắt hệ thống tăng lực, khiến phi công Mỹ không thể thấy nó nữa. Dawoud báo cáo tình hình về chỉ huy mặt đất. Đáp lại, dẫn đường mặt đất hướng dẫn chiếc MiG-25 bay về phía đông và tấn công mục tiêu ở cách đó 32 km.
Sau đó, Dawoud bật radar, khóa được một mục tiêu ở khoảng cách 25 km và phóng một tên lửa R-40RD. Phi công này liên tục bám bắt mục tiêu cho tới khi thấy một vụ nổ khổng lồ, sau đó là máy bay đối phương bốc cháy và rơi xuống đất.
Hộp đen máy bay của Speicher được tìm thấy vào năm 1995, cho thấy quả tên lửa R-40RD phát nổ ngay dưới buồng lái chiếc tiêm kích F/A-18C của phi công này. Đầu đạn nổ mảnh nặng 70 kg ngay lập tức xé rách thùng dầu phụ và giá treo vũ khí của chiếc Hornet, khiến máy bay mất kiểm soát. Speicher thoát ly khỏi máy bay nhưng sau đó thiệt mạng vì thương tích, chiếc tiêm kích F/A-18C rơi cách Qadessiya khoảng 75 km.
Dawoud tiếp tục tìm kiếm mục tiêu sau khi dẫn đường mặt đất thông báo về nhóm máy bay Mỹ thứ hai. Đó là biên đội 3 chiếc A-6E của VA-75 do trung tá Robert Besal chỉ huy.
Lần này, máy bay cảnh báo sớm đã phát hiện ra tiêm kích MiG-25 và phát tín hiệu báo động cho lực lượng Mỹ. Không lâu sau, Dawoud tiếp cận biên đội của Besal từ phía trên. Trung tá Mike Steinmets, phi công bay cùng Besal, ngoặt gấp về bên phải, khiến máy bay Iraq vọt qua bên trái.
Sau khi thực hiện vòng lượn, Dawoud vào được vị trí công kích ngay phía sau nhóm A-6E. Dawoud mở radar, khóa mục tiêu, sẵn sàng nhấn nút phóng tên lửa tầm nhiệt R-40TD. Tuy nhiên, chỉ huy mặt đất lại bác bỏ yêu cầu khai hỏa của Dawoud, lệnh cho phi công này xác nhận mục tiêu bằng mắt thường.
Dawoud áp sát đủ gần để thấy đèn bên trong buồng lái của Steinmets và Besal, sau đó thông báo xác nhận mục tiêu và xin lệnh bắn. Dẫn đường mặt đất vẫn không chắc chắn nên ra lệnh cho chiếc MiG-25 thoát ly và trở về căn cứ.
Trên đường về căn cứ, Dawoud chuẩn bị tinh thần cho các đợt phản công của Mỹ. Mắt anh ta luôn dán vào bộ phận hiển thị của hệ thống cảnh báo chiếu xạ (SPO).
Khi về tới Qadessiya, Dawoud thấy nơi này đã bị phá hủy tan hoang khi bị 3 chiếc Tornado của không quân hoàng gia Anh thả hàng trăm quả mìn xuống đường băng. Một tiêm kích MiG-25 dự định cất cánh sau Dawoud bị hư hại, phi công bị thương nặng. Chiếc MiG-25 của Dawoud buộc phải hạ cánh trên đường băng dự bị, sau đó trở về hầm chứa an toàn.
Sáng 18/1, Dawoud gửi báo cáo về trận đánh kèm thông tin từ dẫn đường mặt đất. Báo cáo này sau đó được gửi lên lãnh đạo không quân Iraq để xác nhận. Tuy nhiên, các sĩ quan cấp cao đã không chấp nhận bản báo cáo thành tích của Dawoud, cho rằng trước đó họ đã nhận hàng chục báo cáo bắn rơi máy bay Mỹ như vậy mà không có cách nào để xác minh thông tin.
Dù phi công này cung cấp được thông tin về hướng bay và vị trí tên lửa đánh trúng mục tiêu, quan chức Iraq vẫn không biết tìm kiếm xác chiếc F/A-18C ở đâu. Phải vài ngày sau, khi thẩm vấn trung úy Larry Slade, hoa tiêu trên một chiếc F-14A bị bắn rơi, phía Iraq mới biết Mỹ đã mất một tiêm kích F/A-18C cùng phi công.
Bất chấp thông tin tràn ngập về vụ mất tích của Speicher, tình báo Iraq phải mất tới 4 năm để xác định danh tính của phi công này và khớp với báo cáo từ Dawoud. Họ cũng không đưa ra xác nhận chính thức hay thông báo cho phía không quân.
Phải tới cuối năm 1995, Dawoud mới biết về cuộc điều tra của phía tình báo và viết thư tới tổng thống Saddam Hussein để giải thích về nhiệm vụ. Khi đó, chính phủ Iraq mới đưa ra xác nhận và trao thưởng cho phi công này.
Tử Quỳnh