Buổi chiếu phim Rừng Nauy tại TP HCM vào tối 9/5 bị dời ngày vì máy chiếu không đọc được mã của bản phim mang từ Hà Lan về. Trong sự cố lại có cái hay. Hàng trăm khán giả có thêm thời gian ngồi lại cùng trò chuyện với đạo diễn Trần Anh Hùng, một trong số những đạo diễn gốc Việt làm vinh danh điện ảnh nước nhà.
Sang nước ngoài định cư từ nhỏ, Trần Anh Hùng nói tiếng Việt khá cứng và nhiều lúc thiếu vốn từ. Tuy vậy, anh vẫn có cuộc trò chuyện thú vị bằng tiếng mẹ đẻ với phong cách cởi mở, hài hước.
Có khán giả đến với buổi chiếu không hẳn để xem phim. Không ít người đã thưởng thức tác phẩm này trước đây hoặc qua bản DVD. Mục đích của họ là được trò chuyện và giao lưu với người đạo diễn có những tác phẩm điện ảnh cá tính. Vì thế, suốt hơn một giờ đồng hồ, Trần Anh Hùng liên tục nhận được những câu hỏi, cũng như chia sẻ của người xem về các bộ phim anh từng thực hiện.
Điều mà nhiều người quan tâm nhất là anh đã làm việc với Murakami như thế nào để ông đồng ý cho một đạo diễn không phải người Nhật chuyển thể tác phẩm để đời của mình.
Rừng Nauy là quyển sách đầu tiên của Murakami mà Trần Anh Hùng đọc và ngay lập tức yêu thích. Từ đó, anh nung nấu ý muốn đưa câu chuyện này lên màn ảnh rộng. Mỗi lần sang Nhật, đạo diễn đều nêu lên mong muốn này của mình. Nhưng anh cũng được cho biết, từng có người dựng phim tác phẩm của Murakami và ông không thấy hài lòng với nên từ đó không muốn cho ai chuyển thể sách của mình.
Đến dịp bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng ra mắt ở Nhật, thêm một lần nữa anh đề cập với nhà sản xuất phim ở đây về ý nguyện của mình và được cho biết, Murakami vừa đồng ý cho một người khác chuyển một truyện ngắn của ông thành phim. Đạo diễn được gợi ý là nên viết cho tiểu thuyết gia một lá thư để nói với ông về việc chuyển thể Rừng Nauy.
"Tôi viết một lá thư rất đơn giản và xin ông cho một cuộc hẹn để trao đổi. Ông đồng ý ngay. Vài ngày sau tôi đến Tokyo và lúc này tôi mới biết cuốn sách của Murakami là best-seller suốt 17 năm ở Nhật. Đây cũng là tác phẩm rất đặc biệt với ông", Trần Anh Hùng kể.
Ở Tokyo, Trần Anh Hùng phải nhiều lần có buổi làm việc, trao đổi với êkíp nhà sản xuất Nhật khoảng 12 người. Những buổi này chẳng khác nào cữ tập dượt trước để đạo diễn chuẩn bị tinh thần và "học" cách trả lời các câu hỏi xoay quanh dự án phim. Murakami nổi tiếng khó tính trong chuyện này.
Đến ngày hẹn gặp, Trần Anh Hùng cùng một đại diện nhà sản xuất và một người phiên dịch có mặt ở văn phòng của nhà văn. Khi Haruki Murakami bước vào, người ông đầm đìa mồ hôi và còn quấn cả chiếc khăn to. Ông vừa đi tập thể dục về là đến cuộc gặp ngay.
"Sau những câu chào hỏi xã giao, tôi bắt đầu trình bày vì sao muốn chuyển Rừng Nauy thành phim. Quả thật, nói chuyện với Murakami rất khó vì ông không bao giờ nhìn vào mặt mình mà cứ nhìn chằm chằm xuống dưới bàn. Lúc đó, tôi vừa nói vừa rất hồi hộp vì không biết là mình nói có đúng không, có gây được chút tác động hay hiệu quả nào với ông không. Khi tôi nói được chừng 5 phút, Murakami xin lỗi cắt ngang và nói ngắn gọn: 'Nếu không phải là anh thì tôi sẽ không nhận gặp mặt ai cả về dự án này!'", Trần Anh Hùng nhớ lại.
Lúc này, vị đạo diễn gốc Việt mới thở phào nhẹ nhõm và mở cờ trong bụng vì câu nói của nhà văn nổi tiếng đã tạo cho anh một thế rất mạnh trước nhà sản xuất. Đôi bên đều hiểu câu nói này hàm ý: Murakami giao cuốn sách của ông cho Trần Anh Hùng chứ không phải cho nhà sản xuất. Ngay sau đó, tiểu thuyết gia đưa ra hai điều kiện: Thứ nhất, ông cần đọc kịch bản trước. Điều này có nghĩa là nhà sản xuất phải trả tiền cho Trần Anh Hùng viết kịch bản và điều kiện này nhận được cái gật đầu ngay lập tức. Thứ hai, nhà văn cần biết chi phí phim là bao nhiêu.
Được sự ủng hộ của tiểu thuyết gia, sau đó, Trần Anh Hùng bắt tay vào viết kịch bản và chuyển cho nhà văn xem qua. Murakami dùng một màu mực khác để chia sẻ rất nhiều ý nghĩ của ông bên lề kịch bản. Không chỉ vậy, ông còn thêm vào nhiều lời thoại và nhiều cảnh mà ông nghĩ ra. "Những thêm thắt của Murakami vào kịch bản tôi thấy rất hay. Nhưng vì phải đảm bảo độ dài cho phim nên tôi chỉ giữ lại vài câu thoại", đạo diễn nói.
Murakami và vợ rất yêu điện ảnh. Ông cũng từng xem qua các phim của Trần Anh Hùng. Với phim Rừng Nauy, ông dành nhiều lời khen tặng.
Không chỉ kể lại những kỷ niệm, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Rừng Na Uy và các bộ phim khác, Trần Anh Hùng còn bày tỏ nhiều quan điểm về phong cách làm phim của anh.
"Đừng nghĩ tôi có thể làm được tất cả các loại phim. Phim thương mại tôi cũng rất thích nhưng không biết cách làm. Đó là sự thật chứ không phải là cách nói khiêm tốn. Nếu làm phim với kỹ xảo thì tôi không thể nào làm được vì tôi không thể quay cùng diễn viên ở một nơi không có bàn ghế mà chỉ có tấm phông xanh rồi mới thêm cảnh vào sau đó. Tôi không thể nào cảm được cách làm này", đạo diễn bày tỏ.
Vị đạo diễn sinh năm 1962 cũng không thích cách làm phim và những lời thoại hoàn toàn sao chép thực tế cuộc sống. Như trong Rừng Nauy, anh khá chăm chút cho lời thoại. Chúng có thể hơi dài nhưng cần có chất nhạc, nhịp điệu tạo cho nhân vật nét duyên dáng riêng.
Tối 10/5, Trần Anh Hùng tiếp tục dự chương trình "Voyage à Cannes" tại Tổng lãnh sự Pháp, TP HCM. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, diễn viên, doanh nhân... Tại buổi này diễn ra cuộc đấu giá các vật phẩm để lấy tiền hỗ trợ cho YxineFF tổ chức tiệc phim, ủng hộ các tài năng điện ảnh của Việt Nam.
* Trailer Rừng Na Uy |
|
Thoại Hà