Nhiều độc giả chia sẻ về nỗi khổ sở, khi bị trầm cảm giày vò bản thân:
Tôi từng bị trầm cảm vài lần. Từ năm cuối đại học một lần. Từ lúc đi làm đến giờ trải qua vào lần trầm cảm vì áp lực công việc, vì sếp gây khó khăn cho mình, bị người ta chơi xấu. Nghĩ lại thật cay đắng nhưng bây giờ tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn sau khi vượt qua được.
Nhưng thật tình mà nói cảm giác bị trầm cảm thật khổ sở lắm. Trong lúc trầm cảm mệt mỏi tinh thần tôi từng thoáng nghĩ đến cái chết. Tôi vẫn còn cảm thấy bị tổn thương về tinh thần khi nghĩ lại thời gian bị trầm cảm vì sếp gây khó khăn và cử xử gay gắt với tôi. Sự từng trải đau thương giúp bạn hiểu ra nhiều điều về cuộc sống, về con người và giúp bạn trở nên láu cá và lì lợm hơn.
Tôi đang mang bầu tháng thứ sáu. Ngay sau khi đọc bài này trên văn phòng, tôi không thể ngừng khóc được. Phát hiện ra mình bị trầm cảm sau khi kết hôn, đêm nào tôi cũng khóc ướt gối. Chồng thì cứ thờ ơ và thấy mình khóc thì càng giận hơn, nhiều khi mở miệng ra tâm sự thì chồng lại buông lời phũ phàng và chát chúa. Một ngày có khi vợ chồng không có nói với nhau một câu nào. Thật sự cuộc sống đang quá bế tắc, thương em bé, trách chồng vô tâm, không nhận ra vợ càng héo mòn. Càng ngày bệnh tình tôi càng nặng, thậm chí còn có ý định tự sát.
Độc giả Ngô Tuyền cho rằng người mắc chứng trầm cảm luôn thấy chơi vơi, cô độc vì không tìm thấy ý nghĩa của bản thân và cuộc sống:
Có lẽ điều đáng sợ nhất của căn bệnh là khi người bệnh không còn tìm thấy hứng thú, không tìm thấy ý nghĩa của sự tồn tại của bản thân, chơi vơi, cô độc, luôn tự hỏi tôi sống vì điều gì.
Độc giả Tàu phân tích:
Người trầm cảm thường ít nói, trầm tính, có vẻ như không quan tâm đến mọi thứ. Nhưng thật sự thì họ để ý từng chi tiết. Nhưng họ không muốn tỏ ra thân thiện, vì họ sợ người khác vô tình hay cố ý làm tổn thương tâm hồn của họ.
Người trầm cảm thường bất chợt nóng tính, chửi thề, đáp trả một cách dữ tợn khi bị người khác gây hấn. Thật sự thì đó không phải là con người của họ. Trong quá khứ có thể họ từng bị bắt nạt, bị một sự cố làm cho sang chấn tâm lý tới hiện tại.
Biểu hiện không hài lòng một cách thái quá và "ghim" bất cứ hành động nào mà họ cho là không đúng và không hợp với tính cách của họ. Thật sự thì họ là người tốt, chỉ muốn mọi người xung quanh cũng tốt và tử tế như mình, nhưng phần lớn những người vô ý thứ thì không hiểu điều đó.
Đáp trả một cách gay góc và "xù lông" trước một câu hỏi hoặc một nhận xét của người đối diện vì người đối diện vô tình hoặc cố ý gợi lại cho họ những kỹ niệm không vui trong quá khứ
Khi cảm thấy bế tắc cùng cực, hoặc là họ sẽ chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình hoặc tệ hơn là, họ sẽ kết thúc cuộc đời của tất cả những người từng làm họ tổn thương.
Nếu xung quanh bạn có một người giống như mô tả ở trên, hãy nhẹ nhàng, từ tốn, cố gắng đừng làm họ tổn thương thêm nữa. Tìm một công việc, một sở thích, một thói quen tốt mà họ thường làm, làm chung với họ, đồng cảm với họ, rồi một lúc nào đó, họ sẽ nguôi ngoai và dần hết bệnh.
Độc giả kimhue29122012 cho rằng cuộc sống hiện đại có áp lực cao, nhiều người trở nên bi quan và rơi vào trạng thái trầm cảm:
Cuộc sống khiến cho mọi người luôn cảm thấy mình vội vã, nhất là khi nền kinh tế đang hội nhập mọi việc phải làm theo cách nhanh nhất có thể nên những người tụt lại phía sau dễ bi quan, tự thấy mình thấp kém giữa xã hội để rồi để mình bị rơi vào trạng thái trầm cảm.
Thế nên mọi người cân phải biết cân bằng cuộc sống, suy nghĩ đến những điều tích cực, hơn hết là nghĩ đến sự yêu thương từ phía gia đình, bạn bè. Một chuyến về quê nghỉ dưỡng, du lịch đến một vùng đất mới cũng là một cách để giải tỏa áp lực cuộc sống.
Độc giả Daniel Tam:
Câu chuyện về trầm cảm sẽ còn tiếp tục tiếp diễn nếu mọi người không thay đổi nhận thức và đưa ra cái nhìn đúng đắn. Thay vì dè bỉu, chê bai thì hãy động viên, đồng hành và cùng tiếp sức với người bị trầm cảm là điều tối quan trọng trên hành trình vượt qua căn bệnh này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.