Theo bác sĩ Âu Văn Khê, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, người bệnh sau đột quỵ thường phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe và tâm lý. Sau khi trải qua đột quỵ, họ phải đối diện với sự khiếm khuyết về vận động và khả năng tự chăm sóc bản thân. Sự thay đổi nhanh chóng và bất ngờ trong tình hình sức khỏe có thể gây ra cảm giác hoang mang, lo lắng và đôi khi tuyệt vọng.
Tình trạng trầm cảm là một vấn đề rất phổ biến ở người bệnh sau đột quỵ. Họ có thể cảm thấy mất hứng thú với cuộc sống, mất niềm tin vào bản thân và tương lai, cảm thấy cô đơn và cảm thấy không hy vọng. Tâm trạng buồn rầu kéo dài và không thể cải thiện, thậm chí có thể dẫn đến các suy nghĩ tiêu cực hơn.
Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến quá trình phục hồi vận động của người bệnh. Sự mất hứng thú và ý chí có thể làm giảm khả năng thực hiện các bài tập phục hồi chức năng và tuân thủ điều trị. Điều này có thể dẫn đến việc kéo dài thời gian phục hồi chức năng vận động và tăng nguy cơ tái phát đột quỵ.
Theo bác sĩ Khê, để giúp người bệnh sau đột quỵ vượt qua tình trạng trầm cảm, cần có sự hỗ trợ của đội ngũ y tế bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhà tâm lý học và nhà trị liệu.
Các biện pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc trị trầm cảm như thuốc tây, thuốc Đông y hoặc các phương pháp không dùng thuốc như vận động trị liệu, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, tâm lý liệu pháp, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, nhĩ châm...
Trong quá trình điều trị tại cơ sở y tế, người bệnh tiếp xúc với bác sĩ được tư vấn tình trạng bệnh, chia sẻ và động viên người bệnh khác. Bệnh nhân tìm được sự đồng cảm và động lực để tiếp tục duy trì điều trị cũng như tập luyện phục hồi.
Trầm cảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng phục hồi của họ. Nhận biết và điều trị kịp thời rất quan trọng để giúp người bệnh hồi phục một cách toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần, có niềm tin vào tương lai.
Mỹ Ý