Thủy là nhà văn tự do, sống cùng chồng tại Mỹ.
"Khác với nhiều phụ nữ sợ trầm cảm khi sinh, tôi biết chắc chắn mình sẽ rơi vào trầm cảm từ lúc mang bầu", Thủy nói.
Cô mang thai từ tháng 10/2019. Ban đầu, cô lên kế hoạch học các lớp tiền sản nhưng phải hủy. Mẹ cô cũng không thể đến hỗ trợ hai vợ chồng do dịch Covid-19. Thủy ốm nghén cả thai kỳ. Những cơn buồn nôn và nôn ói liên tiếp đến nỗi cổ họng bị xước, chảy máu. Ba tháng đầu, cô xuống 10 kg và sưng nướu răng do hormone thay đổi. Đến tuần thai 35, bệnh viện nơi cô đăng ký sinh xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Hai vợ chồng bàn bạc với nhau sinh con tại nhà, song rủi ro khá lớn nên vẫn phải sinh tại bệnh viện.
Sinh bé xong, thể trạng Thủy yếu chưa hồi phục nên ăn uống thất thường. Cô hoang mang, lo lắng khi cuộc sống bị đảo lộn, bản thân chưa kịp thích nghi. Ba tuần đầu sau sinh, cô gần như không ngủ.
"Lần đầu làm mẹ, quay cuồng trong việc bỉm sữa, cho con bú, thay tã, giặt đồ, tôi cảm giác chông chênh, mệt mỏi vô cùng", cô nói.
Covid-19 khiến việc mang thai và sinh đẻ khó khăn hơn bởi thai phụ ngần ngại đi khám, khi sinh xong phải đối mặt với sự bức bối vì hạn chế về không gian và giao tiếp, ít sự hỗ trợ của người thân hơn.
Nguyễn Phương Nhung, ở Hà Nội, may mắn không bị nghén thai kỳ. Tuy nhiên, thời gian mang thai khiến tâm trạng cô thay đổi thất thường nên dễ khóc, dễ tủi thân hơn. Nhung mất hai tháng đầu để cân bằng lại. Càng về tháng cuối, bụng Nhung xuất hiện vết rạn đen, tăng cân, da nổi mụn.
Đến ngày sinh, bệnh viện cô đăng ký có ca nhiễm Covid-19 nên siết chặt thăm viếng, chỉ cho một người nhà vào hỗ trợ.
"Mang thai trong thời dịch bệnh nên mình hầu như phải đi khám một mình, thời gian nằm viện cũng bị rút ngắn, hạn chế người thăm nom, chỉ có bà nội hoặc ngoại vào giúp đỡ. Một mình quần quật với con và vết đau sau mổ càng khiến mình bất lực", Nhung nói.
Thời gian này, Nhung không dám ra ngoài nhiều, sợ lây bệnh cho con. Một mình với bốn bức tường, con cũng không chịu bú khiến bà mẹ 26 tuổi mang cảm xúc tiêu cực. Cô bị khó ngủ, giấc ngủ chập chờn, luôn mệt mỏi, uể oải, chán nản.
Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Quốc Khải, nguyên trưởng khoa đẻ 2, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, cho biết trầm cảm đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ mang thai lần đầu. Nó thường diễn ra trong vòng ba tháng đầu sau sinh, khiến bệnh nhân không kiểm soát hành vi, xuất hiện ảo thanh như nghe thấy tiếng nói trong đầu hoặc ảo giác.
Trầm cảm gây nên chứng mất ngủ, tức giận, rối loạn nhịp tim, bồn chồn, hành vi cảm xúc bất thường, thậm chí làm hại con mình nhưng với rất hiếm gặp. Nếu thực sự làm tổn thương đứa trẻ, tình trạng của người mẹ thường đã nặng, thậm chí bị loạn thần. Do đó, phụ nữ sau sinh rất cần được hỗ trợ từ phía gia đình, người thân và bác sĩ.
Nguyên nhân dẫn tới trầm cảm có thể là cú sốc tinh thần, áp lực công việc học hành, cách biệt thế hệ. Đôi khi có thể do mất ngủ kéo dài dẫn đến căng thẳng kéo dài.
Ngoài ra, diễn biến phức tạp của Covid-19 trong những tháng gần đây càng khiến mẹ bầu không được gặp gỡ bạn bè hay ra ngoài để giải tỏa. Họ có thể lo lắng về bất cứ vấn đề gì như bao giờ hết dịch, bao nhiêu người đã lây nhiễm, số người chết... dẫn đến lo âu, rối loạn cảm xúc và dễ bị trầm cảm hơn. Covid-19 còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập, kể cả gia đình có kinh tế khá giả.
Hiện, chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của Covid-19 dẫn đến trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định tỷ lệ phụ nữ mắc và cần điều trị tăng lên trong đại dịch.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai, cho biết ngoài yếu tố thay đổi hormone, các stress từ môi trường cũng đóng vai trò quan trọng gây bệnh trầm cảm.
Bệnh trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời sẽ trở thành mạn tính. Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, thường xuyên nghĩ về cái chết. Người bệnh còn có thể gây nguy hiểm cho người khác bởi những suy nghĩ tiêu cực, ý tưởng tự tử của mình.
Để điều trị bệnh, bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để dùng thuốc và trị liệu tâm lý, hành vi phù hợp. Khi có dấu hiệu trầm cảm, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn kịp thời, làm giảm và mất hoàn toàn các triệu chứng đồng thời phòng ngừa tái phát.
Để vượt qua trầm cảm, Thủy sau đó đã đến gặp bác sĩ tâm lý, nói chuyện và tìm ra hướng đi cho bản thân. Cô luyện cho con gái ăn ngủ nề nếp để sắp xếp được thời gian cho riêng mình. Cố gắng ăn ngủ điều độ để đảm bảo sức khỏe cho mình. Điều này không chỉ đúng với phụ nữ trầm cảm sau sinh mà còn đúng với nhiều tình huống khác trong xã hội.
Ngoài ra, cô học cách chia sẻ nhiều hơn với mọi người, nhất là chồng, để cùng nhau vượt qua thời gian khó khăn này.
Với Thủy, quan trọng nhất là hãy để người mẹ tự quyết định phương pháp chăm con. "Con bú mẹ cũng được, bú bình cũng không sao, tắm nắng hay không tắm nắng uống vitamin D cũng không thành vấn đề miễn là con khỏe và phát triển bình thường, mẹ thoải mái vui vẻ chăm con và chăm chính bản thân", Thủy nói.
Nhung cũng vậy. Cô bắt đầu cởi mở hơn và chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người để cùng chăm con khoa học hơn. Bé gái của Nhung nay 5 tháng, nặng 7,5 kg, rất ngoan và khỏe mạnh.
"Mình nghĩ Covid-19 như giọt nước tràn ly, bởi trầm cảm khi mang thai không phải quá xa lạ. Quan trọng nhất là bạn tự mình để vượt qua nó và làm tròn với trách nhiệm của mình", Nhung chia sẻ.
Thùy An