Là bác sĩ, anh không có kiến thức cũng như thời gian tìm hiểu các sản phẩm tài chính. Qua giới thiệu của công ty chứng khoán, anh mua bảy tỷ đồng trái phiếu một doanh nghiệp bất động sản với lãi suất hấp dẫn, 12% mỗi năm.
Giờ muốn bán lại cho công ty chứng khoán đã phân phối trái phiếu theo "cam kết mua lại" họ từng hứa hẹn, anh nhận được hồi đáp phải chờ tìm người mua, không biết ngày nào có thể mua lại. Điều đó đồng nghĩa, anh phải "ôm" tiếp số trái phiếu với nỗi bất an, khoản tiền lớn mắc kẹt chưa biết cách nào giải tỏa.
Nhiều năm làm phân tích tài chính, tôi gặp không ít nhà đầu tư "tay mơ" như anh. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là lãi suất, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu đúng bản chất của trái phiếu doanh nghiệp.
Một cách khái quát, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng chỉ ghi nợ do doanh nghiệp phát hành với mục đích huy động vốn từ nhà đầu tư. Khi bạn mua trái phiếu của một công ty thì bạn thành chủ nợ của họ. Đến kỳ hạn thoả thuận, doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán cả gốc lẫn lãi cho nhà đầu tư.
Lãi suất trái phiếu là mức lãi doanh nghiệp đưa ra cho nhà đầu tư. Trái phiếu càng rủi ro, lãi càng cao. Ngân hàng với đầy đủ công cụ giám sát và pháp lý cho vay, lãi suất khoảng 7-8% một năm, vẫn đối mặt rủi ro mất vốn. Với mức lãi gấp rưỡi ngân hàng, rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn cao hơn thế.
Tựu trung lại tôi thấy có bảy ngộ nhận chính sau đây:
Thứ nhất, "trái phiếu do ngân hàng phân phối nên rất uy tín". Trái phiếu do ngân hàng phân phối khác trái phiếu do ngân hàng phát hành. Trái phiếu do ngân hàng phát hành không được chào bán ra thị trường nhiều và lãi suất chỉ 3-5% một năm cho kỳ hạn 2-3 năm. Trái phiếu do ngân hàng phân phối cho một doanh nghiệp khác với lãi suất cao (thường trên 10%/năm) hầu hết không được ngân hàng đảm bảo thanh toán. Nếu rủi ro vỡ nợ, doanh nghiệp là bên chịu trách nhiệm thanh toán với nhà đầu tư.
Thứ hai, "trái phiếu có tài sản đảm bảo nên khá yên tâm". Chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành và tính khả thi của dự án họ đang "vay" tiền của chúng ta mới là yếu tố quan trọng. Tài sản đảm bảo không liên quan đến việc đánh giá xác suất vỡ nợ (probability of default). Tại Việt Nam, quá trình xử lý tài sản đảm bảo là câu chuyện kéo dài nhiều năm và thường "chờ được vạ thì má đã sưng". Hoặc ngay cả bán xong tài sản, nhà đầu tư chưa chắc được hoàn tiền đầy đủ.
Sự việc Tân Hoàng Minh là ví dụ thực tế. Cả tổ chức phát hành và các bên liên quan đều khẳng định bán tài sản trả nợ rất khó và mất nhiều thời gian.
Thứ ba, "trái phiếu được bảo lãnh nên khó mất tiền". Cần phân biệt giữa "bảo lãnh phát hành" và "bảo lãnh thanh toán". Bảo lãnh phát hành là việc đơn vị tư vấn phát hành, như công ty chứng khoán, đảm bảo sẽ "ôm" toàn bộ lô trái phiếu nếu không có nhà đầu tư mua hết. Bảo lãnh thanh toán là việc bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc công ty mẹ) đảm bảo thanh toán cho nhà đầu tư khi tổ chức phát hành (là các doanh nghiệp) mất khả năng thanh toán. Theo thống kê của chúng tôi, số lượng trái phiếu được bảo lãnh thanh toán là rất hiếm hoi, và có mức lãi suất rất thấp.
Thứ tư, "mua trái phiếu của doanh nghiệp làm ăn có lãi thì lo gì". Dòng tiền để thanh toán quan trọng hơn mức lỗ hay lãi trong năm của doanh nghiệp.
Thứ năm, "trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm thì an toàn". Chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này sau khi công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm bảy tổ chức phát hành trái phiếu tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của một đơn vị thực hiện xếp hạng tín nhiệm là phân tích, đánh giá, so sánh, phân loại rồi "dán nhãn hàng hoá" theo thang điểm chung từ Tốt nhất (rủi ro thấp nhất - AAA) đến Yếu nhất (rủi ro cao nhất - C). Trong trường hợp này là về tổ chức phát hành (người bán) và/ hoặc trái phiếu (hàng hoá) của họ cung cấp ra thị trường trực tiếp hoặc qua các đơn vị phân phối.
Điều này tương tự việc dán nhãn hàng hóa trong siêu thị, "người đi chợ" tự lựa chọn, giao dịch với người bán. Người mua hàng rẻ, chất lượng thấp thì chịu rủi ro cao. Người chọn hàng "chất lượng cao" thì phải trả giá cao hơn. Một sản phẩm tài chính phức tạp như trái phiếu doanh nghiệp cần sự đánh giá khách quan về mức độ rủi ro của "người bán" (là doanh nghiệp) - đó là vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Thứ sáu, "trái phiếu tập đoàn lớn thì yên tâm". Tập đoàn lớn nhưng dòng tiền yếu, không có đơn vị bảo lãnh thanh toán thì rủi ro thường cao hơn trái phiếu của doanh nghiệp nhỏ có dòng tiền khỏe.
Thứ bảy, "trái phiếu an toàn vì có cam kết mua lại bất cứ lúc nào". Thực tế đây là cam kết mua lại của đơn vị phân phối, thường là công ty chứng khoán, khi nhà đầu tư muốn bán trái phiếu trước hạn. Việc có thực sự mua lại hay không phụ thuộc bên mua có thu xếp được tài chính hoặc tìm được người mua khác thay thế không.
Với những đặc điểm trên, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm phù hợp cho nhà đầu tư thiếu kiến thức cũng như hạn chế về thông tin. Do đó, các chính sách liên quan trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai nên tính đến hàng rào với nhà đầu tư nhỏ lẻ, bao gồm cả người về hưu với tiền tiết kiệm ít ỏi.
Còn nếu vẫn muốn đầu tư trái phiếu mà thiếu chuyên môn sâu, nhà đầu tư nên tìm tới các tổ chức chuyên nghiệp như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí... Đó là cách tiếp cận an toàn hơn để trái phiếu trở thành "trái ngọt".
Nguyễn Quang Thuân