"Bằng tiềm năng của Tân Hoàng Minh, với lượng dự án hiện tại, chúng tôi cam kết sẽ làm được. Tập đoàn đang đi rao bán các dự án, mục đích chỉ muốn trả tiền cho nhà đầu tư, khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất", ông Đỗ Hoàng Minh, người điều hành tập đoàn thay ông Đỗ Anh Dũng, khẳng định trước khách hàng mua trái phiếu trong cuộc họp 13/4.
Ngoài 3 dự án đang xây dựng, Tân Hoàng Minh đã hoàn thành 3 dự án tại Hà Nội gồm D'. Capitale tại Trần Duy Hưng, D', Palais Louis tại Nguyễn Văn Huyên và D'. El Dorado II tại Võ Chí Công.
Nhưng ông Đỗ Hoàng Minh cũng nói thêm, việc thực hiện, vẫn còn phụ thuộc vào hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Đối với việc thanh toán, trong biên bản sau buổi làm việc với các nhà đầu tư, đại diện Tân Hoàng Minh cam kết sẽ thu xếp nguồn tiền để trả lại 100% tiền mua trái phiếu. Với tiền lãi, hai bên sẽ đàm phán, thỏa thuận sau. Tuy nhiên, biên bản không nêu thời hạn cụ thể của việc thanh toán tiền gốc mua trái phiếu.
Sau cuộc họp với khách hàng, Tân Hoàng Minh cũng gửi thông báo, khẳng định đang "rất nỗ lực duy trì và khôi phục hoạt động", đồng thời thực hiện các biện pháp tối ưu để hoàn trả tiền.
Việc chưa hoàn tiền lại ngay cho khách hàng, theo Tân Hoàng Minh, là vì vụ án mới ở giai đoạn điều tra ban đầu, còn vướng một số vấn đề pháp lý, phải chờ ý kiến của cơ quan chức năng. Doanh nghiệp cam kết sớm ra lộ trình thanh toán phù hợp, cung cấp các thông tin mới.
Ông Minh chia sẻ thêm, đã hai lần gửi đơn đề nghị cơ quan công an tháo gỡ các vướng mắc phát sinh từ việc hủy lô trái phiếu bị huỷ, như việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của tập đoàn, các công ty phát hành trái phiếu, hoàn tất các văn bản uỷ quyền. Doanh nghiệp cũng gửi công văn đến Uỷ ban chứng khoán Nhà nước để có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn thu hồi trái phiếu đã phát hành và hoàn trả cho khách hàng.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, nếu các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân thì mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp. Ngược lại, nếu họ vỡ nợ hoặc phá sản, "thị trường tài chính cũng như các ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho Tân Hoàng Minh sẽ chịu tác động lan tỏa mạnh hơn".
Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, do ông Đỗ Anh Dũng sở hữu gần 51%. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, đến cuối năm 2020, tổng tài sản của tập đoàn này là hơn 20.000 tỷ, vốn chủ sở hữu hơn 6.900 tỷ đồng. Ông Dũng và 5 người khác của Tân Hoàng Minh đã bị cơ quan điều tra khởi tố hôm 6/4 về cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong 9 đợt chào bán trái phiếu với quy mô 10.000 tỷ đồng bị hủy, có 6/9 đợt có thông tin về tài sản đảm bảo.
Lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng của Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (Vietstar) được bảo đảm bằng tài sản phát sinh từ hợp đồng đặt cọc hợp tác kinh doanh của công ty này tại dự án "Đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt" và quyền sở hữu 12,5% vốn góp tại Vietstar.
Đợt chào bán gần 200 tỷ đồng của Công ty Cung Điện Mùa Đông được bảo đảm bằng 10 triệu cổ phần của chính công ty này thuộc sở hữu của bà Vũ Mỹ Linh và bảo lãnh thanh toán bởi Tập đoàn Tân Hoàng Minh. 4 lô trái phiếu với tổng quy mô hơn 2.000 tỷ đồng được bảo đảm bằng các cấu phần của dự án Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải Phú Quốc.
Về phía các ngân hàng, tác động trực tiếp của việc hủy kết quả phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh, theo VCBS, là không nhiều. Với các ngân hàng với vai trò là bên mua trái phiếu, các tổ chức tín dụng đã tham gia mua ít nhất ba đợt phát hành trái phiếu của nhóm Tân Hoàng Minh, tuy nhiên quy mô 3.000 tỷ đồng của ba đợt này và 10.000 tỷ đồng tổng cả 9 đợt vẫn là mức có tỷ trọng thấp so với tổng tín dụng của cả hệ thống.
Với các doanh nghiệp bất động sản, việc hủy lô trái phiếu Tân Hoàng Minh trong ngắn hạn sẽ tác động đa chiều đến khả năng huy động vốn, khi nhà đầu tư sẽ chọn lọc kỹ càng hơn rất nhiều về điều khoản đi kèm của sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sự kiện này cũng là cơ hội để các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, khẳng định được chỗ đứng với các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi lãi suất huy động vẫn đang thấp hơn đáng kể thời điểm trước dịch. Nhìn rộng hơn, theo VCBS, từ góc độ cơ quan quản lý, đây là bước đi cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường trái phiếu trong dài hạn.
Minh Sơn - Phương Ánh