Thứ ba, 10/12/2024
Thứ sáu, 18/10/2024, 09:17 (GMT+7)

Trải nghiệm làm bánh cung đình Huế ở TP HCM

Nhiều khách ghé ngày hội bánh dân gian trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, trải nghiệm làm bánh hoa hồng, món điểm tâm cung đình, cùng nghệ nhân xứ Huế.

Tại ngày hội bánh dân gian được tổ chức ở TP HCM ngày 15 - 20/10 trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh biểu diễn và cùng khách làm bánh hoa hồng xứ Huế.

Bà Thiếu Anh cho biết bánh hoa hồng là món điểm tâm có nhân mặn, chấm nước mắm chua ngọt kiểu Huế. Bánh có phần vỏ bóng mướt, tạo hình mô phỏng bông hồng thường dùng trong các buổi tiệc cung đình hoặc trong các gia đình quyền quý xưa.

"Tôi giới thiệu cách làm bánh hoa hồng đến công chúng với mong muốn món ăn không bị thất truyền", nghệ nhân nói.

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo. Gạo được chọn là loại mới, còn thơm hương lúa, sau đó vo sạch, ngâm nước trong nhiều giờ trước khi xay. Khi bột mịn, người thợ pha vào một ít nước lọc để bột lỏng nhưng vẫn giữ được độ dẻo.

Bà Thiếu Anh nói để bánh hoa hồng ăn nóng hay ăn nguội đều ngon, không bị cứng, bí quyết nằm ở khâu pha bột. Người thợ hòa bột gạo cùng bột năng, khuấy đều tay trên lửa đến khi đặc lại, rồi nhồi thêm bột nếp. Lớp bột sau khi nhồi mềm mịn được chia thành từng viên bằng quả chanh để nặn vỏ bánh.

Nhân bánh được làm từ tôm và thịt heo băm nhỏ, kết hợp với mộc nhĩ, cà rốt xắt hạt lựu. Sau khi nêm gia vị, người nấu xào hỗn hợp nhân đến khi rút hết nước và tỏa mùi thơm.

Bước tiếp theo, thợ dồn nhân vào chính giữa vỏ bánh rồi gói bột lại, vị trí bột túm lại được ép dẹt làm đế bánh.

Bánh hoa hồng thơm ngon nhờ có phần vỏ dẻo dai hòa quyện cùng phần nhân đậm đà.

Người thợ dùng kẹp kim loại ấn, tỉa từng chút lên vỏ bánh để tạo hình hoa hồng, liên tục rắc bột khô lên kẹp để vỏ bánh không dính, mịn, rõ từng chi tiết.

Đây là công đoạn khó với cả nghệ nhân, đòi hỏi sự tập trung của người làm. Với lớp cánh ngoài, người thợ bắt từng nếp so le nhau, lớp trong nghiêng kẹp góc 45 độ và hướng lên trên để các cánh hoa nhìn tự nhiên khi hoàn thiện.

Màu của bánh được tạo từ màu tự nhiên với hồng của củ dền, thanh long ruột đỏ; vàng của hạt quả dành dành và màu xanh từ cải bó xôi, lá nếp.

Tạo hình xong, bánh được đặt trên lá chuối, cho vào nồi hấp trong 5 đến 10 phút. Bánh chín khi bột trong lại và cánh hoa nở đều.

"Bánh đạt đủ ngon và khéo khi lớp bột bên ngoài mỏng nhưng đủ bao bọc để phần nhân không bị vỡ", bà Thiếu Anh nói.

Biết thông tin khách được cùng nghệ nhân làm bánh hoàng cung Huế qua mạng xã hội, anh Minh Huy, 35 tuổi, đến xem biểu diễn và tự tay bắt từng cánh trên bánh hoa hồng. Anh Huy thấy dễ hơn khi được "cầm tay chỉ việc".

"Bánh dẻo, bột mỏng, vị tự nhiên khác hẳn với món disum mà tôi đã thưởng thức", anh Minh Huy nói và cho biết trải nghiệm giúp bản thân hiểu về nguồn gốc và cách làm bánh hoàng cung.

Trần Minh Quân (áo đen) cùng nhóm bạn đến trải nghiệm làm bánh hoa hồng hôm 15/10 cho biết bánh ngon, tính thẩm mỹ cao. Nam sinh nói dù được nghệ nhân hướng dẫn nhưng công đoạn bắt hoa khó, phải rất lâu anh mới hoàn thiện một chiếc bánh.

Bánh hoa hồng được bà Thiếu Anh xếp thành hình bản đồ Việt Nam trong không gian lễ hội, thu hút nhiều khách quan tâm. Trong 5 ngày lễ hội, ngoài bánh hoa hồng, nghệ nhân còn biểu diễn và cùng khách làm bánh đậu xanh trái cây từ 16h đến 18h mỗi ngày.

"Tôi muốn giới thiệu, lan tỏa giá trị văn hóa, ẩm thực Huế đến với du khách", bà Thiếu Anh nói.

Tuấn Anh

Ảnh: Quỳnh Trần

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net