Trưa nay, tôi nhận được tin báo một người bạn vừa mất vì căn bệnh HIV quái ác. Dù công tác trong mảng này tính đến nay đã 5 năm, đối diện với không ít cảnh sinh ly tử biệt của những người nhiễm H, cảm giác buồn bã trong tôi lúc này vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Đó là một nỗi buồn uất nghẹn nơi cổ họng khi chứng kiến một người bạn của mình vừa từ giã cõi đời vì căn bệnh thế kỷ.
So với những năm đầu triển khai các dự án chăm sóc điều trị và dự phòng HIV, số trường hợp nhiễm mới, số ca tử vong đã giảm đi rất nhiều. Đối với các y bác sĩ và nhân viên trong dự án, mỗi một chỉ số như thế được cải thiện, mỗi một tỷ lệ được báo cáo là thành công, chúng tôi đều cảm thấy an ủi nhiều lắm. Chúng tôi xem đó là động lực, là lời động viên lớn để bản thân nỗ lực nhiều hơn. Ước mơ “mang lại cuộc sống khỏe mạnh cho người có H” như ngày càng xích lại gần, tôi thậm chí còn tin vào cái ngày “không còn ca nhiễm mới, không còn người chết vì HIV”.
Mặc dù vậy, bên cạnh những thành công không thể phủ nhận, vẫn có những lỗ hổng mà đôi khi chỉ vì thiếu niềm tin, chính những người có H đã tự phủ quyết cơ hội sống còn lại của mình.
Đó là những ca “mất dấu” khi điều trị hay đến điều trị quá muộn, bởi nhiều bệnh nhân vẫn chưa hoàn toàn tin vào điều trị, họ bỏ lỡ cuộc sống của mình và phó mặc nó cho số phận. Để đến khi sinh mạng vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, giai đoạn lâm sàng đã nặng nề với nhiều bệnh cảnh chồng chất, điều trị lúc này gặp nhiều khó khăn, thậm chí đôi lần, y bác sĩ đành bất lực bó tay.
“Sống với HIV hơn là chết vì nó”. Thấm nhuần điều đó nên tôi luôn nhắc bệnh nhân của mình rằng nếu vẫn muốn sống khỏe mạnh và có ích cho cuộc đời, bạn cần tiếp cận với điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị sớm mang lại nhiều ích lợi thiết thực như:
- Điều trị dễ hơn nhiều, hiệu quả cũng cao hơn. Thuốc có tác dụng trì hoãn và khống chế virus nhằm giúp hệ miễn dịch phục hồi. Như vậy, giai đoạn bệnh được phát hiện và chữa trị càng sớm, hệ miễn dịch phục hồi càng nhanh, bệnh nhân không phải đối mặt với những bệnh cảnh nặng. Nhờ đó, tỷ lệ sống sót, thời gian phục hồi, tỷ lệ biến chứng và di chứng, chi phí và nguồn lực… đều được cải thiện.
- Tăng khả năng dự phòng, khống chế nguồn lây và giảm tỷ lệ nhiễm mới. Đối với mỗi bệnh nhân, điều này giúp họ có cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh, sống có ích và hơn hết là bảo vệ cho những người mà họ yêu thương như gia đình, bạn bè tránh nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn khác mà người có H gặp phải đó là tác hại của sự kỳ thị. Kỳ thị khiến cho bệnh nhân mất niềm tin vào cuộc sống, mất đi lẽ sống và buông xuôi cho định số. Thái độ dè bỉu của người đối diện khiến cho bệnh nhân bị cô lập, sợ hãi và che giấu, trong khi họ lại là những người cần được chăm sóc, yêu thương. Rào cản của kỳ thị làm cho gánh nặng bệnh tật càng thêm nặng, làm cho sự bế tắc nhân lên gấp bội.
Dù nhiễm hay không, ta luôn cần có thái độ đúng với HIV. Vì thế, các nhân viên y tế luôn nhắc nhở mọi người cần có thái độ đúng đắn với căn bệnh thế kỷ này:
- Thận trọng trước các hành vi nguy cơ.
- Không sợ hãi, hoang mang, và càng không nên có thái độ kỳ thị.
Thái độ đúng xây dựng từ kiến thức đúng về căn bệnh, về đường lây nhiễm, về các hành vi nguy cơ và không nguy cơ. Thái độ đúng còn đến từ nhận thức đúng về điều trị và hiệu quả của điều trị, nhất là trên những người có H hay gia đình của họ.
Một khi có thái độ đúng, người bệnh mới có cơ hội hưởng trọn vẹn thành quả của điều trị. Cũng với thái độ đúng, gia đình mới có thể trở thành cánh tay nối dài của nhân viên y tế để điều trị và cải thiện cuộc sống cho người thân của mình.
Ngày nay, điều trị HIV đã có những tiến bộ không nhỏ, nhiều người có H đã bắt đầu viết nên những trang nhật ký hạnh phúc. Họ vẫn có thể lập gia đình, nhiều cặp vẫn hoàn thành ước mơ làm cha, làm mẹ. Sau hết tôi muốn chia sẻ với mọi người về mong muốn lớn nhất và cũng là duy nhất của mình: “Đừng để HIV ngăn bước chân mình đi tìm hạnh phúc”. Đây cũng là lời sau cuối tôi xin gửi cho anh bạn của mình, một người vừa giã từ cuộc đời.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ