Làn sóng xuất ngoại cầu thủ Việt Nam rộ lên từ năm 2015 với các cầu thủ lứa một HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh. Nối tiếp theo đó là những cầu thủ trẻ sáng giá khác như Văn Hậu, Quang Hải, Đặng Văn Lâm, Văn Toàn. Nhưng điểm chung của các trường hợp xuất ngoại này là tất cả đều phải sớm kết thúc chuyến "du học" của mình mà không để lại nhiều dấu ấn, nếu không muốn nói là thất bại ê chề.
Như lời một HLV ở châu Âu từng nhắn gửi đến các cầu thủ Việt rằng muốn xuất ngoại thành công thì phải chứng tỏ được bản thân ở giải trong nước và các sân chơi châu lục trước đã. Bản thân các giải đấu ở châu Âu, thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng không công nhận trình độ các cầu thủ V-League, nên họ chỉ xem đó là những cầu thủ tiềm năng để đào tạo thêm chứ không mua về để cho đá chính.
Muốn cầu thủ Việt được đá chính khi xuất ngoại thì V-League phải được nâng tầm chất lượng trước đã. Cụ thể, các CLB của V-League phải có mặt thường xuyên ở vòng Bán kết AFC Champions League, đội tuyển quốc gia Việt Nam phải lọt vào top 70 trên bảng xếp hạng FIFA.
>> 'Công Phượng chứng minh nhiều cầu thủ Việt chưa đủ tầm ra thế giới'
Người Nhật xuất khẩu cầu thủ thành công chẳng qua là vì giải J-League của họ top 1 châu Á. Thực tế, trước khi J-League ra đời, cầu thủ Nhật vẫn chỉ quanh quẩn trong nước đó thôi. Thế nên, chỉ có giải VĐQG mới là nền tảng căn bản cho sự phát triển bền vững của ĐTQG. Nhưng ở Việt Nam, VFF và VPF dường như vẫn xem nhẹ V-League, chỉ chú trọng vào thành tích ngắn hạn của các lứa U, ĐTQG, nên thất bại là điều dễ đoán được.
Với nền bóng đá chưa phát triển như Việt Nam, chúng ta nên ưu tiên dùng tiền vào đào tạo trẻ, thuê chuyên gia giỏi về huấn luyện cấp độ trẻ của CLB, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia vật lý trị liệu phục hồi, nâng cấp cơ sở vật chất ít nhất đạt chuẩn AFC phục vụ cho thi đấu và tập luyện; kêu gọi đầu tư bằng hình thức cổ phần, chủ tịch CLB phải chịu trách nhiệm với đội bóng và cổ đông nếu hoạt động kém; CLB nên có Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Giám đốc Điều hành, Kế toán... tức phải theo mô hình lấy bóng đá nuôi bóng đá.
Và trên hết Việt Nam nên có giải Youth League cho lứa U16 và U18 cấp CLB và các trường đại học, THPT. Có thể đá vòng tròn hai lượt tính điểm như V-League để các cầu thủ trẻ đạt tối thiểu 30 trận một năm, làm tiền đề để phát triển trong tương lai thay vì chỉ mài đũng quần trên ghế dự bị như các CLB V-League bây giờ.
Tóm lại, tôi nghĩ cầu thủ Việt không nên xuất ngoại nếu không thỏa mãn ba điều kiện sau:
1. Cầu thủ phải biết ngoại ngữ, có thể giao tiếp được để nhanh chóng hóa nhập với môi trường mới cũng như tiếp thu tốt các chỉ đạo chiến thuật của HLV.
2. Các CLB V-League chưa khẳng định sức mạnh ở AFC Champions League. Một ví dụ điển hình là cầu thủ Chanathip của Thái Lan, sở dĩ có được chỗ đứng là vì lúc ấy CLB Muangthong Utd của anh thi đấu cực hay trước các CLB Nhật Bản và vào tới bán kết cúp C1 châu Á hai mùa liên tiếp. Chính sự chói sáng của Chanathip đã giúp anh nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các CLB hàng đầu châu lục.
3. V-League phải thật sự phát triển cả vật chất lẫn chuyên môn.
4. Cuối cùng là bản thân cầu thủ phải có nền tảng thể lực sung mãn. Nếu ai xem video bài test về tốc độ chạy khi có bóng và không bóng của các cầu thủ Ngoại hạng Anh trước khi lên đội một, sẽ thấy các cầu thủ Việt còn thua xa mức yêu cầu tối thiểu. Nhìn những ngôi sao của bóng đá châu Á như Mitoma, Son Heung Min bứt phá, tăng tốc, chúng ta sẽ hiểu tại sao họ lại luôn có xuất đá chính ở các đội bóng hàng đầu châu Âu.
- Chuyến xuất ngoại không lãng phí của Văn Hậu
- Giấc mộng cầu thủ Việt 'viễn chinh' trời Âu
- Công Phượng và 'hiệu ứng ngược' khi xuất khẩu cầu thủ Việt
- 'Quang Hải khó tiến bộ nếu không dám thử sức ở nước ngoài'
- 'Công Phượng chỉ phù hợp V-League'
- 'Công Phượng, Văn Hậu xuất ngoại không nâng tầm bóng đá Việt Nam'