Trả lời:
Nhiều người chuộng ăn trái cây nhập khẩu vì cho rằng chúng sẽ ngon, bổ và có lợi sức khở hơn trái cây trong nước. Tuy nhiên, thực tế chưa chắc đã phải như vậy. Trái cây trong nước mới thực sự phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người Việt Nam, bởi thực vật khu vực nào sẽ nuôi dưỡng động vật ở hệ sinh thái đó một cách tốt nhất, bao gồm con người.
Ngay cả những loại trái cây nhập khẩu có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn trái cây địa phương nhưng hàm lượng đó lại vượt quá mức độ mà một người khu vực đó cần. Đồng thời, trái cây nhập khẩu thường được thu hoạch trái mùa rồi vận chuyển trong thời gian dài, trong khi trái cây ta được trồng đúng mùa tại địa phương, không trải qua giai đoạn bảo quản khắc nghiệt nên sẽ giữ độ tươi ngon nhất có thể.
Hơn thế, khi so sánh Bảng thành phần Dinh dưỡng Việt Nam (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), cho thấy một số loại quả quen thuộc dù là nhập khẩu nhưng có hàm lượng dinh dưỡng không cao hơn so với các loại quả trong nước. Ví dụ giữa táo tây với táo ta, hàm lượng canxi trong táo ta gấp đôi (44 mg so với 19 mg), lượng vitamin C cũng cao gấp nhiều lần (24 mg ở táo ta với 7 mg ở táo tây).
Vì thế, mọi người nên thay đổi quan điểm và nên sử dụng trái cây trong nước sẽ có nhiều lợi thế sức khỏe hơn, ưu tiên trái cây tại địa phương theo mùa, vừa ủng hộ người nông dân, chi phí rẻ, dồi dào dưỡng chất và hơn hết là phù hợp thể trạng sức khỏe. Trái cây nhập khẩu cũng là nguồn dinh dưỡng tốt để bổ sung đa dạng khẩu vị, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua trái cây nội.
Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng
Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng