Dạo quanh một vòng thông tin cho thuê cửa hàng, mặt bằng trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, không khó bắt gặp những dòng tít to đùng, đập vào mắt người xem như: "Cho thuê mặt bằng", "cần sang nhượng giá cực tốt", "mặt bằng rộng, có chỗ để ôtô"... Tất nhiên, đi kèm với đó là mức giá thuê không hề rẻ, nhiều căn lên tới cả trăm triệu đồng một tháng.
Quay trở lại thời điểm 10 năm trước, những ai sở hữu cho mình một "chỗ cắm dùi" tại trung tâm thành phố rồi cho thuê mặt bằng chẳng khác nào sở hữu "con gà đẻ trứng vàng". Thậm chí có giai đoạn, người ta cạnh tranh nhau đến "sứt đầu mẻ trán" chỉ để thuê được một mặt bằng kinh doanh tại khu vực đắc địa. Có người sẵn sàng trả giá gấp đôi so với nhu cầu cho thuê của chủ nhà.
Nhưng, sự dịch chuyển và biến thiên quá nhanh của nhu cầu kinh tế, khiến tình hình kinh doanh nhà mặt phố ngày càng ế ẩm và kéo theo làn sóng trả mặt bằng. Tôi lấy ví dụ, thời điểm năm 2019, trước dịch Covid-19, giá nhà mặt phố cho thuê tại các quận trung tâm Hà Nội và Sài Gòn đều "có đâu hết đó". Nhiều căn 40 m2, ba tầng, hai mặt tiền, chủ nhà có thể chia ra cho thuê tầng một làm cửa hàng, tầng hai làm khu dịch vụ, văn phòng - một công đôi việc. Nhờ đó, các chủ nhà mỗi tháng có thể dễ dàng đút túi 30-40 triệu đồng.
>> Quyết không bán nhà mặt phố dù bị người thuê trả mặt bằng
Mặt tiền càng đẹp, giá càng cao. Tương tự, nhà càng to, mặt sàn lớn, tiền cho thuê càng nhiều. Người thuê khi đó phải cắn răng đáp ứng tất cả các nhu cầu của chủ nhà - mà thông thường, sẽ cài vào điều khoản tăng 10-15% tiền thuê nhà mỗi năm (dựa theo vật giá).
Thế nhưng, sau đại dịch, bắt đầu âm ỉ xuất hiện làn sóng trả mặt bằng. Một phần vì kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, một phần theo tôi có lẽ chính là bản thân của chủ nhà - giá cho thuê họ chỉ muốn tăng mà không muốn giảm. Nhiều người "cắn răng" thuê nhà 50 m2 để kinh doanh, tiền thuê 50 triệu đồng một tháng, ký hợp đồng theo năm.
Hay như bạn tôi, thuê một căn mặt đường Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy), diện tích 55 m2, bốn tầng, giá thuê 60 triệu đồng mỗi tháng để mở công ty linh kiện máy tính - ký hợp đồng bốn năm. Thời gian đầu kinh doanh tốt, chuyện thanh toán tiền cửa hàng bạn không phải đắn đo, thậm chí mở thêm được một chi nhánh nữa để làm showroom sản phẩm.
Nhưng giữa năm 2023, tình hình kinh tế ảm đạm, lượng khách ít dần, chi phí hoạt động tăng lên. Đáng nói, tiền thuê nhà vẫn tăng theo từng năm và trong điều khoản hợp đồng ghi rõ, nếu hủy hợp đồng thuê nhà trước thời hạn (ngoài số tiền đóng theo năm kia) sẽ phải chịu đền bù sáu tháng hợp đồng kèm theo chi phí sửa chữa đi kèm.
Tôi nhẩm tính, nếu bạn tôi trả nhà trước một năm, số tiền phải đóng phá vỡ hợp đồng lên tới gần 500 triệu đồng (chưa kể các chi phí phát sinh khác). Đóng tiền phạt mà không được ở, có người cắn răng chấp nhận, gồng lỗ, cuối cùng phải chờ ngày hết hợp đồng để được "thở phào" trả mặt bằng. Bạn tôi là một người như vậy.
Thật ra mô hình thuê mặt bằng kinh doanh là điều tốt, vì nó giới thiệu được tới khách hàng những sản phẩm và giúp họ trải nghiệm trực tiếp các dòng sản phẩm thay vì xem qua Internet. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội và nền tảng TMĐT giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn hơn, không cần đến trực tiếp mà có thể chỉ cần một cú click chuột là có ngay một sản phẩm ưng ý.
Kinh doanh online đánh đúng trọng tâm và nỗi đau khách hàng, khiến cho nhiều người thuê cửa hàng bắt đầu tối ưu chi phí, cũng như tập trung phát triển mảng online. Mà cách tối ưu chi phí lớn nhất chính là trả mặt bằng nơi khu phố lớn, tốn kém tiền bạc, chuyển về nơi rẻ hơn hay dùng nhà riêng để kinh doanh online.
Theo quan điểm của tôi, chính tư duy "con gà đẻ trứng vàng" đã vô hình trung khiến làn sóng trả mặt bằng diễn ra rầm rộ. Giá thuê nhà quá cao, nhiều chủ cửa hàng "chỉ muốn tăng, không muốn giảm" đã khiến cho đa số người có nhu cầu thuê ngán ngẩm. Người cho thuê "thách đố", người muốn thuê "nói không" vì vượt quá khả năng chi trả, vì thế họ sẵn sàng tối ưu lợi nhuận thông qua các chiến dịch marketing trên nền tảng mạng xã hội.
Nếu như chủ cho thuê không thay đổi hay nói đúng hơn, nhìn vào thực tế giá thị trường thì ế ẩm là chuyện khó tránh. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ dần quen với hình ảnh những cửa hàng mặt phố, trong TTTM đóng cửa, chi chít treo biển cho thuê tại những khu phố mua sắm sầm uất bậc nhất Hà Nội, TP HCM, ít nhất là cho đến khi nào các chủ nhà cho thuê mặt bằng nhà phố không chịu thay đổi tư duy kinh doanh.