Nhà ở gần những dãy trọ nhiều phòng, mỗi phòng chừng 15-20m2, tôi chưa bao giờ nhìn thấy cảnh những người công nhân, lao động tự do phải "bó mình" trong những căn phòng, bốn bức tường lâu đến thế. Vậy nên tôi không ngạc nhiên khi nhiều người rủ nhau về quê bằng xe máy tránh dịch.
Nhưng tôi lại cho rằng việc hàng trăm công nhân, lao động tự do rủ nhau về quê bằng xe máy nhưng được chính quyền các quận, phường vận động về lại chỗ ở hiện tại để tránh là một điều đúng đắn.
Bởi tuy biết là về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau nhưng trước tình hình dịch ở TP HCM còn căng thẳng, lượng F0 trong cộng đồng có xu hướng tăng, nếu hàng trăm người về quê và tản ra các địa phương thì sẽ gây áp lực trong việc cách ly, truy vết và nguy cơ lây nhiễm tại các địa phương này là hiện hữu. Đơn cử, có hơn 400 F0 trong tổng số đi từ Đồng Nai về Ninh Thuận. Một tỷ lệ rất cao.
Dịch đã kéo dài 3 tháng qua. Cho đến bây giờ, rất nhiều người đã lâm vào cảnh thiếu hụt tiền bạc bởi không đi làm, không có thu nhập. Những người ráo mồ hôi là hết tiền này là thành phần dễ bị tổn thương và bị tổn thương nặng nề nhất trong đợt dịch này.
Người Việt ta luôn quan tâm đến hai vấn đề chính và thiết yếu trong cuộc sống: Đó là ăn và ở. Có hàng trăm câu ca dao, tục ngữ dân gian xoay quanh hai nhu cầu thiết yếu này, đủ để nói lên tầm quan trọng cũng như sự ám ảnh trong tiềm thức chung của cộng đồng.
Người ta luôn tính đến việc "Ăn gì, ở đâu" rồi mới đến "làm gì". Xét bối cảnh hiện tại yếu tố "làm gì" tạm thời đã bị tê liệt. Nhiều người thất nghiệp do công ty dừng hoạt động để phòng chống dịch. Những lao động tự do như bán quà vặt, phụ hồ, lao động công nhật là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và kéo dài nhất kể từ khi phố phương giãn cách. Không có việc làm, không có tiền lương thì nó ảnh hưởng trực tiếp đến phần "ăn gì, ở đâu".
Trong đó, yếu tố "ở đâu" và "ăn gì" có tầm quan trọng như nhau. Người dân có thể không "làm gì" trong vài tháng để chống dịch với điều kiện đảm bảo được phần "ăn gì" và "ở đâu" cho họ. Những phần quà, gạo, mì, trứng, rau củ từ thiện có lẽ sẽ đảm nhận được phần "ăn gì". Dù có thể những phần quà này chậm đến tay, nhưng tôi tin rằng trong tấm lòng tương thân tương ái của chúng ta, sẽ không ai phải chịu đói dài ngày. Cùng lắm là lượng thức ăn giảm lại, bữa ăn được lượt bớt đi.
Nhưng thực sự vấn đề "ở đâu" là một câu hỏi rất khó trả lời. Không tiền trả phòng trọ, chủ nhà mời ra khỏi phòng thì cũng chỉ cảm thán: "Sao không thông cảm cho người ta, ngay lúc khó khăn này".
Nhưng trên thực tế tôi biết, có rất nhiều chủ phòng trọ ở thành phố đã chủ động giảm tiền thuê, cho nợ, giảm tiền điện nước, hỗ trợ lương thực cũng như tìm nguồn thực phẩm miễn phí về cho người thuê trọ của mình trong những tháng qua.
Ví dụ ngay như hai vợ chồng có chục căn phòng trọ gần nhà tôi đã đứng ra hỗ trợ cho sinh viên, người lao động còn kẹt lại mọi mặt từ mấy tháng qua.
Về giảm tiền phòng, tháng 6 họ giảm 300 nghìn đồng, tháng 7 giảm 500 nghìn đồng cho mỗi phòng mùa dịch. Trong khi giá thuê trung bình là 1,5 triệu đồng mỗi phòng. Đợt tiền tháng 8 này họ chưa thu, vì nghĩ mãi không biết là nên tiếp tục giảm tiền nhiều hơn, hoặc ngưng. Vì nếu giảm hơn, họ phải bù tiền nhà vào để trang trải các chi phí sinh hoạt, tiền thuốc thang, tiền trả nợ... Một số chủ nhà trọ xung quanh còn vận động rau củ hỗ trợ cho nhà trọ mình, đồng thời cho cả xóm.
Nhưng bây giờ thì ai cũng đuối cả rồi, trong cuộc chạy có vẻ dài hơi này. Nhiều chủ trọ vay mượn tiền ngân hàng, bị ngân hàng thúc ép nợ. Lại có nhiều người, vài ba căn phòng trọ là nguồn thu chính. Hỗ trợ vài tháng qua, bây giờ họ cũng đã đuối sức rồi. Thật khó xử khi nhìn mặt nhau, lúc này.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.