Thực trạng trên được ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban đô thị HĐND TP HCM nói tại buổi giám sát việc quản lý, sử dụng vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) tại các dự án lớn trên địa bàn, ngày 22/4. Đây là khó khăn lớn trong triển khai các dự án, bởi đặc thù tại Việt Nam, vị trí nào có mặt bằng sạch sẽ thực hiện trước. Nhà thầu nước ngoài vẫn chấp nhận khởi công song "âm thầm tính chi phí" đối với những mặt bằng chậm giao.
TP HCM đang triển khai 7 dự án ODA với tổng mức đầu tư gần 118.000 tỷ đồng gồm: Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương), cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ (giai đoạn hai); phát triển giao thông xanh (2 dự án); vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn hai); cải tạo cống thoát nước cũ bằng công nghệ đào không hở.
Trong số này, các dự án Metro Số 1 và Số 2; cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; vệ sinh môi trường thành phố... chậm giải phóng mặt bằng nhiều năm khiến phát sinh chi phí, thiệt hại và trễ hẹn kéo dài.
![Đại biểu Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban đô thị HĐND TP HCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Gia Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/22/huynh-hong-thanh-2136-1650618197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oHcuVOUZSVsENP7446jF-Q)
Đại biểu Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban đô thị HĐND TP HCM phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Gia Minh
Ngoài ra, theo ông Thanh, khác các dự án đầu tư công, dự án dùng ODA trước khi trình UBND thành phố duyệt phải gửi nhà tài trợ xem xét. Điều này khiến thời gian kéo dài, nhất là các dự án lớn. Trong khi đó, nếu dự án chậm đưa vào khai thác thì thành phố phải chịu lãi vay.
"Dù nhiều vấn đề chậm, phát sinh do phía nhà tài trợ, chuyên gia nước ngoài nhưng họ lại tính vào dự án khiến thành phố phải chịu", ông Thanh nói và kiến nghị trong hiệp định vay vốn ODA cần có cơ chế, chính sách, trách nhiệm rõ ràng giữa nhà tài trợ và bên vay là Bộ Tài chính.
Phân tích thêm về bất cập trong sử dụng vốn ODA, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), cho biết các quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA liên tục thay đổi, riêng giai đoạn 2016-2021 đã có 4 nghị định về quản lý nguồn vốn này.
"Luật phải liên tục cập nhật để phù hợp thực tế, nhưng có nhiều dự án đặc thù cần triển khai thời gian dài nên sẽ gặp vướng mắc khi thay đổi theo", ông Cường nói và dẫn chứng toàn bộ những vấn đề như kết cấu, tổng mức đầu tư, gói thầu tại dự án Metro Số 1, Số 2 đều không thay đổi, chỉ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành nhưng cần làm rất nhiều thủ tục.
![Mặt bằng trên đường Trường Chinh, Tân Bình được tháo dỡ bàn giao mặt bằng cho Metro Số 2. Do chậm giải phóng mặt bằng nên dự án chậm triển khai so với kế hoạch trước đó. Ảnh: Hữu Khoa](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/22/metro203-1597892451-2742-16044-8615-1864-1650622165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FOMqv30VeeprcOR2Pc60Ow)
Mặt bằng trên đường Trường Chinh, Tân Bình được tháo dỡ bàn giao mặt bằng cho Metro Số 2. Do chậm giải phóng mặt bằng nên dự án chậm triển khai so với kế hoạch trước đó. Ảnh: Hữu Khoa
Trước đó, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Trần Anh Tuấn, cho biết việc quản lý, dùng vốn ODA giai đoạn 2016-2020 gặp nhiều khó khăn như chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian, điều chỉnh tổng mức đầu tư. Kế đến, việc chuẩn bị đầu tư chưa đạt kết quả dự kiến do thay đổi quy định về quản lý đầu tư, xây dựng, nguồn vốn của nhà tài trợ...
Theo ông Tuấn, nguyên nhân do quy trình, thủ tục và sử dụng vốn ODA chưa hài hoà, tồn tại những khác biệt nhưng chậm được xử lý. Trong khi đó, thời gian chuẩn bị cho dự án ODA thường mất rất nhiều. Từ khâu đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký điều ước quốc tế cụ thể mất từ 2-3 năm. Lúc này, dự án phải điều chỉnh để phù hợp thực tế, khiến quá trình thực hiện cũng như tiến độ giải ngân chậm trễ...
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, đánh giá việc sử dụng vốn ODA đầu tư các công trình hạ tầng cho thành phố rất cần thiết trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, nhiều dự án làm theo hình thức PPP khó khăn. Tuy nhiên, hiện các thủ tục quản lý, sử dụng nguồn vốn này rất phức tạp, chỉ cần thay đổi nội dung nhỏ cũng cần nhiều thời gian để giải quyết.
Bà Tuyết kiến nghị Ủy ban Pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có nghiên cứu hỗ trợ TP HCM và các địa phương trong sử dụng vốn ODA. Ngoài ra, các bước, quy trình hiện có quá nhiều cơ quan tham mưu, nên mất rất nhiều thời gian. "Số lượng dự án ODA không nhiều nhưng vốn lớn, liên quan nước ngoài thì quy định pháp luật rất cần chú ý, ưu tiên các dự án này", bà Tuyết nói.
Gia Minh