Đây là nội dung văn bản được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức gửi các sở - ngành, địa phương, ngày 26/2, về tăng cường phòng chống cúm H5N, trong bối cảnh tỉnh Prey Veng của Campuchia, chung đường biên giới với Việt Nam, ghi nhận hai trường hợp mắc cúm H5N1 độc lực cao, trong đó một ca tử vong và một số người nghi nhiễm.
Lãnh đạo thành phố đánh giá nguy cơ cúm H5N1 và các cúm gia cầm khác xâm nhập thông qua các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép. Do đó, Sở Y tế giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cơ sở y tế, đặc biệt là trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.
Thành phố giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng có dịch cúm, tổ chức kiểm dịch gia cầm, thủy cầm được vận chuyển vào Việt Nam qua cửa khẩu, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm cũng như chùm ca viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân ở người tại cộng đồng.
Khi có người biểu hiện cúm H5N1 như sốt, ho, đau ngực, khó thở, cơ quan chức năng điều tra dịch tễ, khai thác tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm để phát hiện trường hợp nghi nhiễm, cách ly lấy mẫu xét nghiệm.
Người dân được khuyến cáo phòng bệnh bằng cách vệ sinh cá nhân, không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết chưa rõ nguyên nhân, rửa tay bằng xà phòng và mang khẩu trang.
Các vùng, gia đình chăn nuôi gia cầm được khuyến cáo áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm. Thành phố tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, lấy mẫu giám sát chủ động trên đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh để xác định nguyên nhân, điều tra dịch tễ, kịp thời xử lý, tiêu hủy.
Các trạm kiểm dịch động vật thực hiện quy trình kiểm dịch, tiêu độc, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào thành phố; kiểm soát quy trình giết mổ.
Các công ty, hợp tác xã vận tải không vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không vận chuyển hành khách cùng với gia cầm, sản phẩm gia cầm. Số điện thoại đường dây nóng của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố được niêm yết trên các phương tiện vận tải, để hành khách kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý trường hợp vận chuyển gia cầm không đúng quy định.
Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, Công an kiểm tra nguồn gốc sản phẩm gia cầm tại các chợ đầu mối, sản phẩm đông lạnh tại kho bảo quản, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm; xử lý nghiêm cơ sở chế biến sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm, do virus cúm type A gây ra. Căn bệnh được xác định lần đầu ở Italy hơn 100 năm trước và lây lan toàn thế giới. Virus cúm gia cầm chủ yếu tồn tại ở các loài chim di cư, chim hoang dã sống dưới nước, có thể lây nhiễm cho gia cầm cũng như các loại động vật khác.
Các triệu chứng nhiễm H5N1 ở người gồm sốt cao trên 38 độ C, khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Một số bệnh nhân có thể bị đau bụng, tức ngực và tiêu chảy. Nhiễm virus ban đầu có thể tiến triển nhanh chóng thành bệnh hô hấp nghiêm trọng, với các biểu hiện như khó thở, thở gấp, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính. Người bệnh cũng gặp các thay đổi về thần kinh, chẳng hạn co giật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bệnh điều trị tại các bệnh viện, một số người cần chăm sóc chuyên sâu. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus oseltamivir, giúp giảm mức độ nghiêm trọng, ngăn ngừa tử vong.
Mỹ Ý