Bộ trưởng Y tế Mam Bunheng cho biết bé gái là trường hợp nhiễm H5N1 đầu tiên tại Campuchia kể từ năm 2014. Bệnh nhân ở tỉnh Prey Veng, sốt cao và ho vào ngày 16/2, được chẩn đoán mắc cúm gia cầm. Tình trạng xấu đi, em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Phnom Penh, mất ngày 22/2.
Từ năm 2005 đến 2014, Campuchia ghi nhận 37 trường hợp tử vong liên quan H5N1.
Cục Kiểm soát Dịch bệnh truyền nhiễm kêu gọi tất cả người dân không tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, chết. Người nghi ngờ có triệu chứng mắc bệnh cần lập tức đi khám để được tư vấn điều trị. Dấu hiệu bệnh ở người gồm khó thở, nôn mửa, sốt, ho, tiêu chảy, đau họng, nhiễm trùng mắt, đau cơ, đau bụng và viêm phổi.
H5N1 là một chủng của virus cúm A, có thể gây bệnh cho người và nhiều loài động vật khác. Đây là tác nhân gây bệnh ở nhiều quần thể gia cầm, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thông tin kể từ đầu năm ngoái, dịch cúm gia cầm đã tàn phá các trang trại trên khắp thế giới, khiến hơn 200 triệu gia cầm chết vì virus hoặc bị tiêu hủy hàng loạt.
Hồi đầu tháng 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận H5N1 lây lan giữa các động vật có vú, nhưng cho biết nguy cơ lây lan sang người còn rất thấp.
WHO khuyến nghị người dân không nên tiếp xúc, đụng chạm vào động vật hoang dã đã chết. Người dân cần báo cáo với chính quyền địa phương những hiện tượng bất thường xảy ra đối với đàn gia súc, gia cầm của mình. WHO cũng yêu cầu tăng cường giám sát ở những nơi con người và động vật tương tác với nhau.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, H5N1 thường lây lan ở các loài chim sống dưới nước như vịt, bồ nông và thiên nga. Tuy nhiên, virus cũng có thể ảnh hưởng đến gia cầm như gà, ngan, ngỗng và các loại động vật khác, kể cả con người.
Thục Linh (Theo Reuters)