![tp-hcm-dung-lam-tuyen-brt-tram-trieu-usd](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/09/10/phoi-canh-BRT-so-1-7587-1505013519.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xnZfwGMbIpIBJDMI2Uembg)
Phối cảnh tuyến BRT số 1 của TP HCM từng được nghiên cứu triển khai. Ảnh: UCCI.
UBND TP HCM vừa thống nhất chủ trương tạm dừng triển khai tuyến BRT đầu tiên của thành phố trên đại lộ Đông Tây (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) thay vào đó sẽ mở tuyến buýt chất lượng cao trên trục đường này.
Trước mắt, lãnh đạo UBND thành phố giao chủ đầu tư phối hợp Sở GTVT chuẩn bị tờ trình để xin ý kiến Thường trực Thành uỷ về vấn đề này. Sau đó, hoàn chỉnh các tiêu chí để tiến hành mời thầu.
Động thái này được đưa ra sau khi cơ quan tham mưu là Sở Giao thông Vận tải rà soát tính khả thi và hiệu quả của việc đầu tư tuyến BRT số 1 và kiến nghị chưa nên triển khai loại hình vận tải này vào thời điểm này mà chỉ nên triển khai tuyến buýt chất lượng cao.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, dự báo nhu cầu lượng khách năm đầu tiên khi làm BRT số 1 là hơn 24.700 hành khách/ngày. Qua rà soát, điều chỉnh còn khoảng 17.700 hành khách/ngày. So với lượng hành khách của các tuyến xe buýt thường hiện nay thì sản lượng cao hơn không nhiều, thậm chí thấp hơn một số tuyến nhưng kinh phí đầu tư BRT lại rất lớn.
Trong khi đó, nếu mở tuyến buýt chất lượng cao sẽ giảm được quy mô đầu tư các hạng mục như hệ thống giao thông thông minh, cải tạo làn dành riêng suốt tuyến, thiết bị soát vé, nhà chờ, kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện BRT… Ngoài ra, còn thực hiện được dự án, tranh thủ nguồn vốn ODA, tránh được rủi ro.
![tp-hcm-dung-lam-tuyen-brt-tram-trieu-usd-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/09/10/vvk-1356572803-500x0-6722-1505013519.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LkZbg12cuFSsZKs_TfdbhA)
TP HCM sẽ mở tuyến buýt chất lượng cao trên đại lộ Đông Tây. Ảnh: Hữu Công
Tại cuộc họp mới đây, ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông - Đô thị TP (UCCI) - đơn vị được UBND thành phố giao nghiên cứu dự án BRT số 1 cũng cho rằng phải điều chỉnh tuyến BRT số 1 thành tuyến buýt chất lượng cao.
Qua bốn lần khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo 3 mô hình BRT Nam Mỹ, BRT châu Âu, BRT châu Á, ông Phúc cho rằng việc làm BRT trong thời điểm này là chưa phù hợp. Thay vào đó, thành phố nên làm tuyến buýt chất lượng cao ngay trên đại lộ Võ Văn Kiệt trước. 5-10 năm sau, thành phố có những điều kiện tương ứng thì nâng cấp lên BRT.
Trước đó, UBND TP HCM đã giao UCCI làm chủ đầu tư việc nghiên cứu và thực hiện tuyến xe buýt nhanh số 1 trên hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với tổng chiều dài 23 km với tổng số khoảng 144 triệu USD.
Sáu tuyến BRT đã được Thủ tướng phê duyệt tại TP HCM:
- Chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài gần 29 km. |
Hữu Công