"Xe buýt nhanh với lợi thế là thời gian thi công ngắn, chi phí đầu tư thấp (bằng 1/40 vốn đầu tư của metro), khả năng vận chuyển lớn với 200 chỗ và tốc độ nhanh (khoảng 40 km/h, gấp đôi xe buýt hiện nay vì có làn đường riêng) nên rất phù hợp với các nước đang phát triển, các thành phố lớn đông dân trên thế giới", ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố cho biết tại hội thảo "Giới thiệu dự án phát triển giao thông xanh TP HCM" được tổ chức sáng 25/9.
Theo ông Phúc, tuyến BRT dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là tuyến đầu tiên trong mạng lưới 6 tuyến BRT được quy hoạch của TP HCM. Tuyến BRT sẽ giao cắt với các tuyến metro số 1, số 2, 3A và số 5 trong tương lai.
UBND TP đã giao Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị làm chủ đầu tư và triển khai Dự án phát triển giao thông xanh nhằm xây dựng tuyến BRT đầu tiên và trên cơ sở đó sẽ tiếp tục phát triển các tuyến còn lại dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, các sở ngành và đơn vị liên quan khác.
Tuyến BRT số 1 (dài gần 29 km) với số vốn gần 156 triệu USD sẽ được khởi công trong năm 2014 và hoàn thành vào giữa năm 2018. Điểm đầu tuyến tại bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2) gồm các hạng mục: 1 depot ở Thủ Thiêm, 4 nhà ga, 2 trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt (sử dụng khí nén thiên nhiên - CNG).
Hệ thống BRT đầu tiên trên thế giới được triển khai tại TP Curitiba (Brazil) vào năm 1974. Theo thống kê của tổ chức phát triển giao thông bền vững (EMBARQ), tính đến cuối năm 2012, đã có 147 thành phố trên thế giới áp dụng mô hình vận tải BRT với tổng chiều dài gần 3.800 km, lượt hành khách vận chuyển mỗi ngày khoảng 25 triệu lượt. Tại Việt Nam, được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB), BRT đang được triển khai tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.
6 tuyến BRT đã được Thủ tướng phê duyệt tại TP HCM: |
Hữu Công