Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, tại họp báo về công tác phòng chống Covid-19 TP HCM, ngày 25/6, cho biết thông tin trên.
"Những người không triệu chứng sẽ được theo dõi tại một khu riêng, giúp đỡ gánh nặng cho ngành y tế", ông Bỉnh nói. Rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng, đặc biệt là nhóm người đã tiêm vaccine, như các nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Theo ông Bỉnh, những trường hợp có triệu chứng nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện vùng ven, như Dã chiến Củ Chi, Điều trị Covid-19 Củ Chi, Điều trị Covid-19 Cần Giờ và hai cơ sở vừa được trưng dụng là Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh và Điều trị Covid-19 Thủ Đức.
Bệnh nhân nặng điều trị tại các bệnh viện ở khu vực trung tâm thành phố như Bệnh Nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương. Đặc biệt, Bệnh viện Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế) hỗ trợ 100 giường hồi sức điều trị các trường hợp nặng.
Theo ông Bỉnh, mô hình này được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đang chi viện TP HCM chống dịch, đề xuất sau kinh nghiệm chống dịch ở Bắc Giang. "Phân tầng như vậy sẽ giúp giảm gánh nặng điều trị rất lớn", ông Bỉnh nói.
Ngoài học tập kinh nghiệm các địa phương khác, thành phố cũng chủ động tìm hiểu các mô hình điều trị ở nước ngoài. Ở một số nước những người không triệu chứng theo dõi tại nhà.
"Với thành phố, số lượng bệnh nhân vẫn còn trong tầm kiểm soát, người không triệu chứng sẽ được bố trí khu vực riêng để tiện theo dõi sức khỏe, phát hiện, xử trí kịp thời nếu xuất hiện triệu chứng", ông Bỉnh chia sẻ.
Người đứng đầu ngành y tế TP HCM cho biết thành phố luôn chủ động thiết lập giường điều trị. Trước đây, khi bệnh nhân còn ít, thành phố lên kế hoạch 1.000 giường (mở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi 300 giường, chuyển đổi công năng Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ thành Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ với 600 giường).
Cuối tháng 5, khi số ca mắc cộng đồng tại TP HCM bắt đầu tăng, sau khi phát hiện ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng, thành phố chuẩn bị gần 2.000 giường. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đổi công năng thành chuyên điều trị Covid với 400 giường, một nửa Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đổi theo mô hình "tách đôi" với 500 giường, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố 100 giường.
Tiếp đó, Điều trị Covid-19 Củ Chi cũng đổi công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi, với 500 giường, hoạt động từ 12/6. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng thiết lập đơn vị điều trị 60 giường. Chợ Rẫy nâng công suất hỗ trợ thành 100 giường hồi sức.
Đến ngày 17/6, TP HCM đổi công năng Bệnh viện Trưng Vương thành Điều trị Covid-19 Trưng Vương, quy mô 1.000 giường, nâng số giường điều trị Covid ở TP HCM được nâng lên 3.500, trong bối cảnh số ca cộng đồng tăng hơn 1.100.
Khi số ca mắc lên hơn 2.000, nhiều bệnh viện sắp hết giường, ngày 24/6, Sở Y tế trưng dụng hai bệnh viện, đưa tổng số giường lên bằng kịch bản 5.000 ca. Trong đó, Bệnh viện Huyện Bình Chánh (500 giường) đổi công năng thành Điều trị Covid-19 Bình Chánh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức thành Điều trị Covid-19 Thủ Đức quy mô 1.000 giường.
"Hiện nay, thành phố đã lên phương án 10.000 giường", ông Bỉnh nói.
Trước đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu khi số ca nhiễm gần đến 5.000 ca, thành phố phải chuẩn bị cho phương án 10.000 ca. "Phải tính toán gối đầu phương án để huy động các nguồn lực nhưng không thể biến chuyển các phương án đột ngột", ông Sơn nói.
Tính đến sáng 25/6, thành phố đang điều trị 2.100 bệnh nhân dương tính nCoV. Trong đó, 31 bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (12), Chợ Rẫy (3), Phạm Ngọc Thạch (7), Điều trị Covid-19 Củ Chi (4), Điều trị Covid-19 Trưng Vương (5).
Mô hình "tháp ba tầng" được Bắc Giang áp dụng để điều trị hàng nghìn ca mắc trong đợt bùng phát dịch vừa qua, phân loại theo mức độ nhẹ, trung bình và nặng, được Bộ Y tế đánh giá là "chưa từng có". Mô hình này ra đời dựa trên đánh giá công tác điều trị sẽ gặp những thách thức lớn vì số ca dương tính tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.